Ngày 10/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 489 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo mục tiêu tổng quát của quy hoạch, đến năm 2030, Hưng Yên sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Về kinh tế, Hưng Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, dự kiến lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là 3,6%; công nghiệp, xây dựng đạt 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 - 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0".
Về các ngành dịch vụ, Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hoá của vùng. Tỉnh sẽ phát triển các ngành có thế mạnh và điều kiện phát triển. Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng sinh thái, văn hoá, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Hưng Yên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo định hướng chiến lược phát triển và quy hoạch của tỉnh; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về nông nghiệp, tỉnh này sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản xuất chuyên canh, quy mô lớn và giá trị gia tăng cao; phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh, đặc sản, cây trồng, vật nuôi và nông sản mà tỉnh có thế mạnh.
Về hệ thống cơ sở hạ tầng, Hưng Yên tập trung đầu tư, phát triển các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh kết nối với các đường cao tốc, quốc lộ; kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng; kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại của vùng.
Cùng với đó, Hưng Yên cũng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại và thu hút lao động chất lượng cao từ ngoài tỉnh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển công nghiệp theo chiều sâu
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hưng Yên sẽ phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tỉnh hướng tới phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải các bon thấp.
Tập trung xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ.
Các ngành công nghiệp ưu tiên tập trung phát triển bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu…
Để phục vụ các dự án quy mô nhỏ, vừa và công nghiệp hỗ trợ, Hưng Yên sẽ đẩy nhanh phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các cụm công nghệ.
Được biết, phạm vi thực hiện Quy hoạch tỉnh Hưng Yên gồm toàn bộ phạm vi phần lãnh với tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2, với 10 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.