Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Eric Xu tâm đắc một câu ngạn ngữ: "Luôn luôn có một con đường phía trước". Với Huawei, ông cho biết, con đường duy nhất về phía trước ấy chính là phục vụ khách hàng tốt hơn, tạo ra giá trị bền vững cho nền kinh tế kỹ thuật số. Nhờ đó, ba năm qua hãng đã đạt nhiều dấu ấn nổi bật giữa loạt thách thức từ bối cảnh thị trường.
Trong báo cáo thường niên năm 2021, Huawei ghi nhận sự phát triển vững mạnh và ổn định trong các hoạt động kinh doanh, đặc biệt có sự tăng trưởng trong lĩnh vực giải pháp doanh nghiệp. Hãng cũng vào top 10 bảng xếp hạng "Brand Finance Global 500" do Brand Finance công bố. Thứ hạng tăng lên 6 bậc so với năm 2021, vươn lên vị trí thứ 9 trong số 10 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh. Cùng với đó là hàng loạt chiến lược biến nguy thành cơ nhằm nâng tầm thương hiệu.
Ứng phó trước thử thách
Covid-19 giáng đòn nặng tới nền kinh tế toàn cầu, Huawei cũng không ngoại lệ. Hãng đối mặt với khó khăn trong việc khan hiếm nguồn cung ứng chip và hạn chế phần mềm trên điện thoại.
Trong nỗ lực hồi phục, các nhà lãnh đạo tập đoàn khẳng định: không giảm quy mô ngành kinh doanh thiết bị tiêu dùng trong bất kỳ trường hợp nào. Để thực hiện mục tiêu này, hãng nỗ lực phát triển dòng điện thoại cấp cao như Mate 50 Pro có thể gập gọn. Điện thoại gập là một làn gió mới trong lĩnh vực nghe nhìn. Hiệu ứng tích cực của dòng sản phẩm này cũng mở ra phương thức kinh doanh khả quan hơn cho hãng trong một thị trường với rất nhiều lựa chọn sáng giá. Bên cạnh đó, trong sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Phân tích Toàn cầu Huawei 2022, chủ tịch luân phiên Ken Hu nhấn mạnh ngành kinh doanh thiết bị tiêu dùng không chỉ là điện thoại thông minh.
"Hầu hết người dùng không chỉ tìm kiếm một thiết bị, mà chú trọng hơn đến trải nghiệm thông minh hơn", ông nói.
Vì vậy, chiến lược của hãng trong năm nay là lấy người dùng làm trọng tâm, xây dựng hệ sinh thái "1+8+N" với trải nghiệm AI liền mạch. Số "1" đại diện cho điện thoại thông minh, "8" là các sản phẩm thiết bị điện tử khác bên ngoài như tai nghe FreeBuds, đồng hồ, máy tính MateBoook X Pro... "N" gồm các thiết bị IoT của bên thứ ba như robot hút bụi, camera, máy in... thông qua công nghệ Huawei HiLink và Huawei Share.
Ông Jay Chen - Phó chủ tịch Huawei châu Á Thái Bình Dương cho biết, nhằm tăng trải nghiệm liền mạch cho người dùng khi sử dụng hệ sinh thái các sản phẩm mang logo Huawei, trong năm 2020 và 2021, hãng đã ra mắt HarmonyOS và HarmonyOS 2.0. Chỉ trong một năm, tập đoàn đã sản xuất hơn 300 triệu thiết bị cài đặt hệ điều hành này.
Trong kỷ nguyên IoT, đơn vị hướng tới mục tiêu mở rộng phân khúc sản phẩm; không chỉ dừng ở smartphone mà còn tiến đến y tế kỹ thuật số, tổng quan trải nghiệm ở smart home và smart office.
Đứng trước những hạn chế về phần mềm khi thiết bị điện thoại của hãng không được tích hợp với dịch vụ, ứng dụng của Google và hệ sinh thái Android, hãng đã ra mắt hệ điều hành HarmonyOS và HarmonyOS 2.0, đồng thời xây dựng hệ sinh thái ứng dụng của riêng mình - Huawei Mobile Services (HMS). HMS cũng cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thay thế cho Gmail, Maps, Play Store, Chrome, lưu trữ đám mây, hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng.
Đối mặt với thử thách từ việc khan hiếm nguồn cung chip, hãng đưa ra hai kế hoạch: một là kéo dài tối đa thời gian sử dụng hàng tồn kho; thứ hai, nỗ lực tìm kiếm thêm đối tác toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của 5G, Huawei cũng tăng cường đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển của HiSilicon - đơn vị thiết kế chipset thuộc sở hữu của hãng. Tuy việc đầu tư này sẽ không đem đến lợi nhuận hiện tại nhưng đây là bài toán "sống còn" của tập đoàn trong chiến lược nối dài danh mục sản xuất với hy vọng có thể tự chủ trong việc tự sản xuất chip trong tương lai.
"Một trong những hướng mà chúng tôi sẽ khám phá là các bộ phận kinh doanh của mình sẽ không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chip", Chủ tịch luân phiên Eric Xu nói về chiến lược trong thời gian tới.
Cũng trong giải pháp vượt qua thử thách, tập đoàn quyết định chuyển dịch mô hình theo hướng bền vững. Theo phân tích của ông Eric Xu, mô hình này nghĩa là các nhà sản xuất sẽ xem xét một khía cạnh mới - giảm thiểu khí thải carbon.
"Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để định hình lại mô hình công nghệ, tập trung vào ba lĩnh vực: lý thuyết cơ bản, kiến trúc và phần mềm", ông nói.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp chọn thu nhỏ quy mô, cắt giảm lực lượng lao động, nhưng Huawei chọn điều ngược lại, ông Eric Xu nhấn mạnh. Thu hút nhân tài luôn là tiêu chí hàng đầu mà nhà lãnh đạo đặt ra, cũng là bí quyết để công ty liên tục giải các bài toán khó về kỹ thuật.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Huawei thực hiện được các mục tiêu, chính là nghiêm túc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong báo cáo thường niên năm 2021, khoản đầu tư R&D của Huawei ghi nhận con số kỷ lục, lên tới 22,4% doanh thu của năm - tương đương 22,4 tỷ USD, nâng tổng chi phí R&D trong 10 năm qua lên hơn 132,66 tỷ USD.
Bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch luân phiên mới kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei nhận định: "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là nguồn tài năng, các ý tưởng sáng tạo, phương pháp luận cũng như là các quy trình nghiệp vụ tốt". Đây cũng là những giá trị thật sự giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực đối phó với tương lai bất ổn.
Tiềm năng từ mô hình mới
"Đối mặt với khủng hoảng, chúng tôi đang đi một con đường mà nhiều công ty khác sẽ né tránh. Chúng tôi hy vọng con đường này sẽ dẫn đến thành công", ông Eric Xu nhấn mạnh.
Niềm tin này của vị Chủ tịch viện dẫn từ những thành quả thực tế suốt nhiều năm qua. Đầu tiên, trong nỗ lực giải quyết vấn đề nguồn cung, Huawei đã tạo ra nhiều giá trị mới, đóng góp cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc cho hiện tại và cả tương lai. Trong Họp báo Trực tuyến của Huawei Connect 2021, Chủ tịch luân phiên Eric Xu chia sẻ niềm tin của ông vào khả năng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc và Huawei có thể giải quyết đầy đủ các vấn đề về nguồn cung của mình. Trong tương lai, những kết quả đó sẽ tốt hơn chúng ta mong đợi..
Song song việc chuyển dịch mô hình, tập đoàn cũng đưa ra cam kết đẩy nhanh quá trình số hóa đa lĩnh vực. Trên hết, tất cả sản phẩm, dịch vụ đều hướng tới nâng cấp trải nghiệm người dùng, mang đến sự liền mạch trên một hệ sinh thái thông minh. Nền tảng HMS, theo công bố của hãng đã có hơn 650 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu và thư viện ứng dụng có sẵn ở hơn 170 quốc gia.
Bên cạnh đó, đội ngũ nghiên cứu cũng vừa thành công ra mắt báo cáo Phát triển Xanh 2030 vào tháng 4 vừa qua với nhiều ý kiến đóng góp của 100 chuyên gia với hơn 30 tổ chức hàng đầu trên thế giới. Bước đi này giúp cho các ngành hình dùng một kế hoạch tổng quan cho phát triển xanh trong tương lai, vai trò ngành ICT trong xu hướng này.
Nỗ lực và nghiêm túc đầu tư vào R&D đã giúp Huawei đạt được mục tiêu mở rộng thị trường sản phẩm của mình khi chính thức ra mắt thương hiệu Huawei Inside dành cho xe hơi vào cuối năm 2020. Huawei Inside nay đã có thể hỗ trợ các OEM thực hiện hóa các loại xe điện, xe không người lái với các kiến trúc kỹ thuật số mới, giải pháp và linh kiện thông minh, hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp ôtô trong tương lai. Không chỉ dừng lại ở ngành công nghiệp ôtô, Huawei đã đem đến những giải pháp mới khác như năng lượng sạch (Huawei Digital Power), 5GtoB tối ưu hoạt động sản xuất và kế hoạch kinh doanh GUIDE.