"Bạn cân bằng cuộc sống của mình như thế nào?"
Đây là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được. Mới đây tôi cũng nhận được hỏi câu này trong một buổi trò chuyện về khởi nghiệp mà đối tượng đa phần là các bạn sinh viên. Lúc nhận được câu hỏi, tôi đã hỏi ngược lại các bạn rằng: Ở đây, hiện tại bạn nào đã cân bằng cuộc sống được thì giơ tay? Chỉ có 1 vài cánh tay rụt rè đưa lên rồi lại hạ xuống.
Vậy khởi nghiệp hay có nhiều dự án, công việc một lúc... không phải lý do để bạn mất cân bằng trong cuộc sống, mà đó là sự lựa chọn của bạn, do thói quen sinh hoạt và cách bạn sắp xếp thời gian. Nhiều bạn chưa đi làm, nhiều thời gian rảnh nhưng vẫn kêu mất cân bằng cuộc sống. Những bạn đi làm rồi thì lại càng thấy mất cân bằng hơn vì 70-80% thời gian là dành cho công việc.
Để trả lời cho việc tại sao bạn bị mất cân bằng trong cuộc sống, thì chúng ta sẽ cùng xem lại những mối quan tâm cơ bản của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Thông thường con người chúng ta đều có 5 mối quan tâm cơ bản đó là:
Công việc (sự nghiệp, tài chính…)
Gia đình (bố, mẹ, anh, chị, em, họ hàng…)
Bạn bè (bạn thân, những mối quan hệ xã hội… )
Tình yêu.
Bản thân (sức khoẻ, sở thích cá nhân... )
Vậy mất cân bằng cuộc sống xảy ra khi bạn tập trung vào một hoặc hai... những mối quan tâm kể trên mà bỏ quên/ không dành thời gian cho những điều còn lại. Với các bạn đã đi làm, đa phần sẽ dành quá nhiều thời gian cho công việc nên lười dành thời gian để tìm hiểu, bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, và cả lười luôn việc chăm sóc bản thân. Bạn có thể vẫn đi du lịch, vẫn ăn 3 bữa 1 ngày nhưng không dành thời gian rèn luyện sức khoẻ, thực hành lối sống khoa học hơn. Hay có những bạn lao vào tiếng sét ái tình thì bỏ bê công việc và không chịu gặp gỡ bạn bè...
Vậy để giải quyết, giải pháp đơn giản nhất là sắp xếp lại thời gian cho những mối quan tâm trong cuộc sống của bạn. Nhiều bạn sẽ bao biện rằng: "Mình thật sự rất bận, mình không thể dành thời gian 3 buổi/tuần để tập thể dục được, mình không thể về nhà ăn tối với bố, mẹ 2 bữa/tuần được". Vậy thì cần nhắc lại câu nói này: "Nếu muốn thì sẽ tìm giải pháp, không muốn sẽ tìm lý do". Mọi lý do nghe đều có vẻ chính đáng và chấp nhận được khi nói với người khác. Nhưng thực sự cảm thấy thế nào thì chỉ có bạn biết.
Tôi cũng đã có khoảng thời gian chỉ có công việc, cả tuần không về ăn cơm với gia đình, thức khuy, dậy muộn, không tập thể dục, sức khỏe đi xuống. Và đây là cách tôi cân bằng lại sắp xếp lại thời gian và các mối quan tâm của mình để cân bằng lại cuộc sống.
Cân bằng cuộc sống bằng 5 nguyên tắc
1. Xác định vấn đề hiện tại của bản thân
Bước này rất quan trọng, bởi chỉ khi bạn nhận ra vấn đề của mình thì bạn mới thay đổi được. Với 5 mối quan tâm cơ bản ở trên, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra vấn đề của mình.
2. Đặt câu hỏi: "Bạn thực sự muốn thay đổi thói quen này? Bạn đã sẵn sàng bắt đầu để thay đổi hay chưa?"
Thức quá khuya để làm việc, không rèn luyện sức khỏe, không dành thời gian đủ cho gia đình, không có thời gian để tìm hiểu một người mới… những vấn đề sẽ mãi là vấn đề nếu bạn chỉ để nó ở đó và chấp nhận rằng đó là thực tế thuộc về mình.
Hành động được bắt đầu bằng suy nghĩ. Chỉ cần bạn có suy nghĩ muốn thay đổi và bạn thực sự muốn thay đổi thì bạn sẽ hành động sẽ được diễn ra.
3. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, đừng tự tạo áp lực lên bản thân
Một buổi sáng khi thức dậy, bạn thấy cuộc sống của mình là một đống hỗn độn. Cơ thể uể oải, deadlines vẫn chưa hoàn thành, mẹ giận vì rất lâu rồi bạn không ăn cơm tối cùng gia đình. Bạn thấy cần phải thay đổi lịch trình sinh hoạt. Làm sao để làm hài lòng tất cả mọi người nhỉ? Nghĩ thôi cũng đã thấy mệt! Vậy phải làm thế nào?
Phải thừa nhận rằng, để thay đổi một thói quen là không dễ một chút nào. Nhưng cơ thể và bộ não của chúng ta được tạo ra để thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh. Nên chỉ cần bạn duy trì một hành động giống nhau ở cùng một thời điểm trong 7 ngày liên tục thì bộ não của bạn sẽ ghi nhớ và hành động này sẽ tự động diễn ra trong những ngày sau đó.
Ví dụ như việc dậy sớm hơn để tập thể dục chẳng hạn. Những ngày đầu có thể khá khó khăn để bạn thức dậy lúc 7h sáng thay vì 9h sáng. Nhưng chỉ cần bạn thức dậy vào lúc 7h trong một tuần liên tục thì những ngày sau bạn sẽ tự động thức dậy lúc 7h mà không cần chuông báo thức. Đồng hồ sinh học của con người thực sự rất chính xác và kì diệu.
Khi bạn dậy sớm hơn, dành 45-60 phút tập thể dục, cơ thể khỏe mạnh hơn, nhiều năng lượng hơn nên làm việc cũng năng suất hơn, bạn cũng có ý thức ăn uống lành mạnh hơn. Ăn uống lành mạnh thì lại hạn chế ăn ngoài, thích về ăn cơm ở nhà mẹ nấu đảm bảo vệ sinh và khẩu phần ăn. Nên bố, mẹ ở nhà cũng vui hơn. Ví dụ chi tiết để bạn thấy rằng, một thay đổi nhỏ nhưng lại kéo theo rất nhiều những thói quen và lợi ích tốt.
4. Hãy nhớ câu thần chú "tôi hiện diện ở đây"
Đây là cách tôi áp dụng thường xuyên và thấy rất hiệu quả. Câu thần chú này giúp tôi nhớ rằng: Khi mình xuất hiện ở đâu, dành thời gian cho ai, đang làm việc gì thì sẽ chỉ tập trung cho nơi đó/ người đó/ việc đó – đồng nghĩa sẽ hạn chế làm các công việc khác. Điều này nghe đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện – nhất là khi chúng ta có thói quen dùng smartphone hay mạng xã hội.
Khi chúng ta hẹn một người bạn đi cà phê nói chuyện, cứ vài phút, chúng ta lại xem điện thoại, trả lời tin nhắn, check email… điều này sẽ khiến cuộc nói chuyện trở nên mất tập trung và kém chất lượng. Trong 5 mối quan tâm cơ bản của con người đã nhắc đến ở trên thì mọi mối quan tâm đều cần bản thân ta hiện diện một cách sâu sắc: Người yêu cần ta dành nhiều sự quan tâm, công việc cần ta nhiều trí óc và thời gian, gia đình cần ta dành nhiều sự hỏi han…
5. Luôn đặt câu hỏi trước mỗi quyết định "Bản thân mình có thực sự vui, hào hứng, thoải mái với quyết định này ko?"
Không có quyết định sai hay đúng – chỉ có bạn có tin tưởng vào quyết định của bạn hay không! Nếu bạn quyết tâm với việc dậy sớm để đến phòng gym sẽ khác hẳn với việc bạn phải đặt đồng hồ báo thức 5 phút/lần từ 6h30' cho đến tận 7h bạn mới dậy. Bạn cảm thấy vui vẻ với cuộc hẹn tối nay sẽ khác hẳn với việc trước buổi hẹn 30 phút bạn vẫn chần chừ không biết có nên gặp hay không. Lựa chọn một công việc bạn thích sẽ khác hẳn với một công việc mà bạn làm chỉ để giết thời gian hay do người khác sắp đặt.
Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Đưa ra những lựa chọn để bạn cảm thấy không hối tiếc khi nghĩ lại về những quyết định đó. Cân bằng cuộc sống đâu đó cũng giống như hạnh phúc… không phải là một đích đến mà đơn giản chỉ là trong mỗi giây, mỗi phút được sống chúng ta đều cảm thấy hài lòng, biết ơn với những gì đang diễn ra và những gì chúng ta đang có.