Hơn 2.600 tỷ đồng đầu tư 87 trạm thu phí tự động
Thông tin tại Dự thảo “Đề án thu phí vào nội đô” do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đệ trình Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho 87 cổng thu phí tại 68 vị trí khoảng hơn 2.600 tỷ đồng , bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và thiết bị trung tâm điều hành, chi phí đầu tư thiết bị và lắp đặt các cổng thu phí.
Dự kiến, tổng mức đầu tư cho 87 cổng thu phí phương tiện cơ giới Hà Nội lên tới hơn 2.600 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn đề xuất thành phố đầu tư hoặc hình thức đối tác công tư PPP. Cụ thể, giai đoạn thí điểm sẽ sử dụng nguồn đầu tư công lắp đặt một số cổng thu phí tại các nút giao thông trọng điểm, thường xuyên ùn tắc giao thông.
Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thực hiện nguồn đầu tư công hoặc một trong những hình thức như BTL (xây dựng, chuyển giao, thuê dịch vụ), hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ, chuyển giao), hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành).
Việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Giai đoạn 1: Dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các đường Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự cũng như trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương,
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ vành đai 3 phía bờ nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Đường phố Hà Nội ùn tắc như "cơm bữa"
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí. Các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Mức thu phí từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt, công nghệ thu phí RFID
Theo dự thảo Đề án, mức phí đề xuất dự kiến: Giờ cao điểm ngày thường (các ngày làm việc trong tuần): đối với các ô tô là đối tượng thu phí, mức thu đề xuất 50.000đ/lượt.
Mức phí giờ cao điểm, ngày thường đối với các xe ô tô được giảm phí sẽ là 10.000đ/ lượt, tỷ lệ xe taxi dưới 9 chỗ trở xuống được giảm phí là 10%, xe ô tô cá nhân được miễn phí 15%.
Đáng chú ý, mức thu linh hoạt thay đổi theo các khung giờ (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho các phương tiện.
Giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 9h00 và cao điểm chiều từ 16h00 - 19h30. Không thu các giờ đêm từ 21h00 - 5h00. Các giờ còn lại mức phí bằng 50% giờ cao điểm. Không thu ngày cuối tuần, ngày lễ.
Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông được đề xuất chia làm 3 giai đoạn triển khai.
Về mức phí thu và có thể mang lại hiệu quả và thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, nhóm lập đề án thuyết trình: “Theo nguyên tắc, mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng”.
Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.
Về công nghệ thu phí, Đề án đề xuất áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Hình thức thu phí này được kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.
Liên quan đến số tiền hơn 2.600 tỷ đồng để lắp đặt 87 trạm thu phí nội đô, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, chúng ta không thể "ép" người dân từ bỏ lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân trong các hoạt động khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt.
"Nếu đề xuất thu phí ô tô đi vào khu vực bên trong đường Vành đai 3 được thông qua và áp dụng từ năm 2024 thì không hình dung nổi khi đó, người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì. "Cưỡng bức" áp dụng giải pháp thu phí trong bối cảnh đó sẽ gây khó khăn cho người dân, cản trở với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội", ông Thủy nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Long-Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, số tiền đầu tư lớn, chưa kể việc bố trí thêm bãi đỗ xe đi kèm. Vì vậy, để khả thi, TP Hà Nội nên huy động từ các nguồn đầu tư xã hội hoá. Thay vì chờ đợi ngân sách, bố trí vốn, các quy trình có thể dẫn đến kéo dài, chậm tiến độ./.