Thông tin được nêu trong hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, chiều 26/5.
Cục thi hành án dân sự TP HCM cho biết, trong số các vụ án kinh tế tham nhũng phải thi hành, cơ quan này đã thụ lý thi hành vụ án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Công ty AIC và Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.
Đồng thời, Cục đã thi hành xong vụ án Đinh La Thăng (cựu bí thư Thành ủy TPHCM) phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, do Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ủy thác.

Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa hồi tháng 3/2021 ở Hà Nội. (Ảnh:TTXVN).
Trong thời gian giữ chức Chủ tịch PVN, ông Đinh La Thăng đã có hành vi ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank, nhưng không thông qua Hội đồng quản trị (sau đó là HĐTV) của PVN.
Ông Thăng đã quyết định việc góp vốn vào Oceanbank dù biết rõ năng lực yếu kém của ngân hàng này; ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn... với tổng số tiền PVN góp vốn vào Oceanbank lên đến 800 tỷ đồng và mất hoàn toàn khi ngân hàng này kinh doanh thua lỗ.
Ông Đinh La Thăng phải thi hành tổng cộng mức án 30 năm tù (mức án cao nhất đối với tù có thời hạn) trong các vụ: sai phạm xảy ra tại PVN và PVC; vụ án liên quan cao tốc Trung Lương - TPHCM; vụ Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan dự án Ethanol Phú Thọ.
Theo Cục thi hành án dân sự TP HCM, trong 6 tháng năm nay đã tiếp nhận giải quyết 93.663 việc, bao gồm 55.177 việc cũ và thụ lý mới là 38.486; tổng số tiền phải thi hành là hơn 173.260 tỷ đồng bao gồm số tiền phải thu từ các vụ cũ chuyển là 121.101 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thi hành xong là hơn 20.217 tỷ đồng - tăng 10,98% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó có 496 việc phải thi hành để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với tổng số tiền phải thi hành là gần 74.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thi hành án xong trong 6 tháng qua chỉ khoảng gần 7.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan trong phiên xử phúc thẩm giai đoạn 2 hồi tháng 4. (Ảnh: Quỳnh Trần).
Lập phần mềm quản lý việc thi hành án vụ Trương Mỹ Lan
Theo đánh giá của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, số tiền thu hồi được trong các vụ án kinh tế tham nhũng 6 tháng qua vẫn còn rất thấp so với kế hoạch. Trong đó, phần lớn số tiền thi hành được là thuộc vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Trong vụ án này, Cục đã tham gia tiếp nhận vật chứng ngay từ giai đoạn chuyển giao giữa điều tra và xét xử; phân loại hàng nghìn tài sản; đối chiếu thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an với bản án và giấy tờ liên quan, để xác định chính xác tài sản cần thi hành.
Sau khi tiếp nhận các giấy chứng nhận, Cục đã thành lập tổ rà soát, phân loại tài sản theo nhóm: động sản, bất động sản, cổ phần, phần vốn góp..., đồng thời phân loại theo địa bàn (tỉnh, quận, huyện) để thuận tiện xác minh và xác định tính pháp lý.
Do số lượng tài sản quá lớn và đa dạng, Cục đã xây dựng phần mềm quản lý thi hành án, phục vụ phân loại, theo dõi và xử lý tài sản. Phần mềm giúp chấp hành viên cập nhật thông tin chi tiết từng tài sản (số thửa, tờ bản đồ, địa chỉ, chủng loại, số lượng...) và trạng thái xử lý (xác minh, thẩm định giá, bán đấu giá, tạm hoãn...) một cách chính xác, kịp thời.
Ngoài ra, vụ án Trương Mỹ Lan có hơn 43.000 đương sự – con số kỷ lục. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin, việc chi trả tiền thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các bước: nhập liệu, bóc tách, phân nhóm đối tượng được chi trả, xác định nghĩa vụ nộp phí...
Phần mềm sẽ tích hợp thông tin cá nhân và tài khoản do đương sự cung cấp, kết nối với các biểu mẫu thanh toán của kho bạc hoặc ngân hàng, không cần nhập tay như hiện nay. Hệ thống cũng tự động chia tỷ lệ tiền cho đúng nhóm đối tượng, đảm bảo tính chính xác và tiết kiệm thời gian, công sức cho các bộ phận liên quan.

Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu tại hội nghị chiều 26/5. (Ảnh: Hải Duyên).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao việc Cục Thi hành án dân sự TP HCM chuyển đổi số trong xử lý công việc, đặc biệt là trong vụ án bà Trương Mỹ Lan.
Ông Khôi nhận định, việc ứng dụng công nghệ là "nhiệm vụ sống còn" của cơ quan thi hành án trong thu hồi tài sản cho Nhà nước. "Cục Thi hành án TP HCM chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm ứng dụng thi hành án, Tổng cục sẽ nhân rộng mô hình trên cả nước", ông nói.
Tính đến nay, Cục đang tạm giữ 6.863 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan, và dự kiến sẽ chi trả hơn 8.600 tỷ đồng cho người được thi hành án trong đợt 1 của giai đoạn 2.
Để đảm bảo thanh toán đúng người, đúng tỷ lệ, đúng thời hạn, Cục Thi hành án TP HCM đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu) để tiếp nhận hơn 39.000 đơn cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng từ các trái chủ.
Cục hiện đang khẩn trương rà soát, đối chiếu, phê duyệt thông tin để đảm bảo bảo mật, đúng quy định pháp luật và quyền lợi người được thi hành án.

Diễn đàn Đầu Tư Việt Nam 2025 - Mid-Year Update do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào
Sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia tài chính, các định chế tài chính, đại diện từ các doanh nghiệp, ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường.
Trong giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi với những tác động chính sách, Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
BTC dành số lượng vé hạn chế cho độc giả VietnamBiz. Vui lòng đăng ký và hoàn thành khảo sát tại đây để xác nhận tham dự.
