Doanh nghiệp

Hòa Phát vay nợ hơn 70.000 tỷ đồng, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận?

Hòa Phát có tổng nợ vay hơn 70.000 tỷ đồng, nợ phải trả trên 107.000 tỷ đồng tại ngày giữa năm 2022. (Ảnh minh họa: Song Ngọc)

Hòa Phát và lãi suất

Tại ngày 30/6 năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có 66.910 tỷ đồng nợ phải trả tài chính và 37.664 tỷ đồng tài sản tài chính hưởng lãi suất cố định. Ngoài ra, tập đoàn thép của Chủ tịch Trần Đình Long còn hơn 3.100 tỷ đồng nợ phải trả tài chính chịu lãi suất thả nổi.

Có thể thấy, giá trị các khoản nợ chịu lãi suất của Hòa Phát lớn gấp gần hai lần giá trị các tài sản được hưởng lãi suất. Do đó, khi lãi suất tăng lên, chi phí tài chính của Hòa Phát có xu hướng đi lên mạnh hơn so với thu nhập tài chính. Ngược lại, khi lãi suất giảm, chi phí tài chính sẽ giảm nhanh hơn thu nhập.

Hòa Phát ước tính mỗi thay đổi 100 điểm cơ bản của lãi suất sẽ làm tăng hoặc giảm 12,43 tỷ đồng lợi nhuận thuần hợp nhất cho kỳ 6 tháng của tập đoàn. Với nửa đầu năm 2021, ước tính tác động là 22,57 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng của Hòa Phát trong mỗi kỳ 6 tháng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ. Vì vậy, tác động trực tiếp của biến động lãi suất là tương đối nhỏ.

Nếu lãi suất tăng thêm 500 điểm cơ bản (tức 5 điểm %) thì lợi nhuận của Hòa Phát ước tính chỉ chịu thiệt hại khoảng 62 tỷ đồng.

Lợi nhuận cũng như biên lãi ròng của Hòa Phát đều sa sút trong quý II/2022.

Lãi suất tăng làm cho chi phí lãi vay của Hòa Phát cao hơn nhưng doanh thu từ tiền gửi và tiền cho vay cũng đi lên, giúp bù đắp một phần mức tăng trong chi phí.

Ước tính tác động của lãi suất này được đưa ra dựa trên giả định là tất cả biến số khác đều không thay đổi, đặc biệt là tỷ giá. Tại ngày 30/6/2022, Hòa Phát đang vay ngắn hạn gần 1,17 tỷ USD và vay dài hạn 132,3 triệu USD. Do đó nếu tỷ giá biến động, chi phí tài chính của Hòa Phát cũng sẽ thay đổi lớn.

Nợ vay hơn 70.000 tỷ đồng

Tại ngày giữa năm 2022, tổng nợ phải trả của Hòa Phát là 107.581 tỷ đồng và chiếm 51,8% tổng nguồn vốn. Đây cũng là lần đầu tiên tổng nợ của Hòa Phát vượt mốc 100.000 tỷ đồng.

Trong nợ phải trả có những nghĩa vụ nợ không chịu lãi suất như phải trả người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, …

Còn lại các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn – có lãi suất cố định hoặc thả nổi – là hơn 70.000 tỷ đồng. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là con số nợ vay cao nhất lịch sử tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long.

Nợ vay của Hòa Phát lập đỉnh mới trong quý II/2022.

Chi phí lãi vay cũng lập đỉnh mới 717 tỷ đồng trong quý II/2022. Ngoài việc dư nợ tăng cao, mặt bằng lãi suất đi lên cũng là nguyên nhân khiến Hòa Phát phải trả chi phí vay lớn hơn.

Mặt bằng lợi suất lên cao trong bối cảnh ngân hàng trung ương ở nhiều nước thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Lãi vay lên cao trong khi lợi nhuận sa sút vì thị trường thép diễn biến bất lợi đã khiến cho tỷ lệ khả năng trả lãi giảm còn 7,1 lần, mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây.

Nói cách khác, thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT) của Hòa Phát trong quý II đủ để thanh toán 7,1 lần lãi vay. Biểu đồ bên dưới cho thấy con số trong quý I năm nay là 15,9 lần, cùng kỳ năm ngoái là hơn 18 lần.

Lãi vay lập đỉnh mới, tỷ lệ khả năng trả lãi xuống thấp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm