Thời sự

Hiện trạng cao tốc Bến Lức - Long Thành sau khi thi công trở lại

 

Đoạn đầu cao tốc giao với tuyến TP HCM - Trung Lương đang xây dựng hệ thống đường dẫn và trạm thu phí.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP HCM và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Khởi công năm 2014, công trình dự kiến hoàn thành sau 5 năm, song gặp khó khăn về chính sách đầu tư, nguồn vốn nên dừng triển khai khi đã xong 80% khối lượng.

Từ giữa năm ngoái, một số gói thầu của dự án triển khai trở lại. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật các đoạn sử dụng vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước tháng 10 năm nay.

Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM. Mới đây, VEC đưa ra thời gian hoàn thành dự án vào năm sau.

 

Đoạn cắt qua quốc lộ 1 đã cơ bản hoàn thành, song các nhánh kết nối ở nút giao chưa được xây dựng.

Dự án có 11 gói thầu xây lắp chính, sử dụng ba nguồn vốn, gồm vốn vay Ngân hàng ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước.

 

Đoạn cao tốc đi qua huyện Bình Chánh, thuộc gói thầu J2 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Mặt đường được trải nhựa, kẻ vạch phân làn, đèn chiếu sáng...

Giai đoạn một, cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.

 

 

Dãy hàng rào chống loá trên cao tốc đoạn thuộc gói thầu J2 (huyện Bình Chánh) được lắp đặt, song một số dãy rào khu vực này bị mất trộm vẫn chưa được khắc phục.

 

 

Dãy hàng rào bảo vệ hành lang cao tốc cũng được xây dựng kiên cố đi qua huyện Bình Chánh.

 

Công trường cao tốc đoạn giao với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, vẫn dang dở. Hai cầu dẫn từ tuyến quốc lộ lên cao tốc nằm trơ trọi, nhiều đoạn bêtông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày.

 

 

Cầu Phước Khánh (gói thầu J3) bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP HCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai. Do không được bố trí vốn, việc thi công cầu đã dừng từ năm 2019 đến nay, khi đã đạt hơn 80% khối lượng. Hiện, công trình đã cơ bản hoàn thành phần cầu dẫn, trụ tháp…

Khi hoàn thành, đây là cầu cao nhất nước với tĩnh không 55 m, dài hơn 3 km, rộng gần 22 m cho 4 làn xe. Mới đây, VEC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà tài trợ JICA về kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới để tái khởi động công trình này.

 

Ở địa phận Đồng Nai, công trình thi công tất bật hơn. Tại gói thầu A6 đi qua huyện Nhơn Trạch, công nhân thi công nút giao nối vào cảng Phước An. Đây là nút giao quan trọng vì ngoài kết nối với cảng Phước An còn giúp liên kết hệ thống giao thông đi liên cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Đoạn cao tốc gần cầu Ông Kèo ở gói thầu A5 qua địa bàn xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, đã hoàn thiện hơn năm nay. Đây là gói thầu đầu tiên của Đồng Nai từ cầu Phước Khánh.

 

 

Cao tốc đi qua rừng ngập mặn tại xã Phước Thái, huyện Long Thành thuộc gói thầu A7 dài 3,3 km cơ bản đã hoàn tất, trải nhựa trên cầu cạn.

 

Cầu Thị Vải, một trong những cây cầu quan trọng trên tuyến cao tốc, nối gói thầu A6 và A7 chuẩn bị hợp long để thông tuyến trong tháng 6 tới.

 

Hướng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

Cùng chuyên mục

Đọc thêm