Mới đây, VietinBank Phú Quốc vừa thông báo bán đấu giá 10 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 77, khu phố 1, phường Dương Đông, TP Phú Quốc. Mỗi lô có diện tích khoảng 124-221 m2, tổng hơn 1.400 m2, đều do ông Nguyễn Đoàn Huy đứng tên.
Trong đó, thửa đất có giá khởi điểm cao nhất lên đến 5,2 tỷ đồng, thấp nhất 2,4 tỷ đồng. Tổng giá khởi điểm của 10 lô đất hơn 27 tỷ đồng.
10 thửa đất sẽ được đấu giá trực tiếp theo phương thức trả giá lên. Người tham gia cần đặt trước 10% giá khởi điểm lô đất.
10 thửa đất sẽ được tổ chức đấu giá trực tiếp vào 14h ngày 4/7, theo phương thức trả giá lên
Buổi đấu giá sẽ tổ chức vào 14h ngày 4/7 tại Công ty đấu giá hợp danh Dũng Trung Nam chi nhánh Kiên Giang, địa chỉ ở đường 3/2, Khu đô thị mới Phú Cường, phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang.
Ông Nguyễn Đoàn Huy là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Đầu tư Sản xuất Thương mại Nguyễn Huy có trụ sở tại khu phố 1, phường Dương Đông, Phú Quốc. Công ty này được thành lập năm 2015 với ngành nghề chính là vận tải hành khách, hàng hóa, kinh doanh ôtô.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Cục thi hành án dân sự TP Phú Quốc đã thông báo về việc bán đấu giá 25 thửa đất của công ty Nguyễn Huy. Số thửa đất này đều là đất trồng cây lâu năm do ông Huy đứng tên, tổng giá khởi điểm hơn 57 tỷ đồng.
Hồi tháng 7/2022, VietinBank Phú Quốc cũng rao bán khoản nợ hơn 25,3 tỷ của ông Huy tại ngân hàng. Tài sản đảm bảo là 8 lô đất thuộc tờ bản đồ số 77 tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc.
Được biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thời gian qua thị trường BĐS tại Phú Quốc đóng băng kéo dài, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tại đây gặp khó khăn, môi giới phải chuyển đổi nghề khác.
Khá nhiều thông tin rao bán BĐS tại Phú Quốc, là các khách sạn, resort đã sẵn hạ tầng
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, giá đất ở Phú Quốc tùy thuộc vào vị trí, diện tích và giấy tờ pháp lý mà có sự giảm giá khác nhau.
Điển hình như tại khu vực phường, xã: Dương Đông, An Thới, Dương Tơ... trước đây luôn nằm ở mức cao nhưng giờ giảm sâu nhưng vẫn thưa vắng giao dịch thành công.
Thậm chí, có nhiều khu resort sẵn thương hiệu, đầy đủ hạ tầng với hàng chục các căn bungalow cũng được rao bán hạ giá đồng loạt.
Trước đó, tháng 8 năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng thông báo bán đấu giá loạt tài sản đảm bảo cho khoản nợ của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Dự án khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc, Hoàng Hải Phú Quốc.
Dự án tổ hợp quần thể du lịch, giải trí của Tân Hoàng Minh tại Phú Quốc cũng từng bị ngân hàng thanh lý
Hai dự án trên thuộc dự án hợp thành tổ hợp quần thể du lịch, giải trí với quy mô gần 34 ha với tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2021. Đây là dự án lớn nhất của Tân Hoàng Minh từ trước đến nay.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Do đó, bất động sản thường được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn không trả được nợ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán tài sản bảo đảm là bất động sản với mức chiết khấu hấp dẫn. Nhưng dù rao bán nhiều lần, nhiều bất động sản giảm giá sâu nhưng vẫn ít người mua.
"Nguyên nhân một phần do khách quan, điều kiện của thị trường và nền kinh tế thời gian qua còn nhiều khó khăn. Phần khác do việc định giá phát mãi tài sản không dựa theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi nên việc bán các tài sản này ngày càng khó", ông Đính cho hay.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh còn chỉ ra rằng phần lớn các bất động sản phát mại đều có giá trị rất lớn từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng nên tính thanh khoản sẽ không cao. Chưa kể nếu tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng... gắn liền với bất động sản thì qua thời gian sẽ còn bị xuống cấp, khó hấp dẫn người mua. Thêm nữa, những nguy cơ rủi ro pháp lý cùng các thủ tục xử lý tài sản phức tạp cũng gây tâm lý e ngại cho người mua.