Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh vừa có báo cáo về tình hình cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tại đơn vị có 51 trường hợp viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác.
Bệnh viện Sản nhi có số lượng cán bộ xin nghỉ nhiều nhất là 12 người, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người.
Theo ông Kha, nguyên nhân cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc là do thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp còn thấp không đủ để trang trải cuộc sống, thu nhập tăng thêm không đảm bảo.
Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch kéo dài, cán bộ ngành Y tế phải chịu áp lực công việc nên có nguyện vọng tìm việc làm khác để giảm bớt áp lực.
Nhiều người gặp khó khăn về cuộc sống, không cân bằng giữa công việc và cuộc sống do đó giảm động lực để công tác. Cũng có một số viên chức xin thôi việc là do không ai chăm sóc con cái, điều kiện đi lại gặp khó khăn do nhà ở xa cơ quan nên không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ được phân công tại đơn vị; một số viên chức xin thôi việc để tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn để chăm lo cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở miền Tây xin nghỉ việc.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Trà Vinh, nhằm hạn chế tình trạng viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc, đơn vị đã phối hợp với tổ chức Công đoàn khuyến khích, động viên về tinh thần, vật chất cho nhân viên y tế, đồng thời khen thưởng cho những viên chức có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch; bố trí, sắp xếp lại công việc phù hợp để viên chức tiếp tục ở lại công tác.
Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ tăng mức lương hoặc phụ cấp để cán bộ ngành Y tế có nguồn thu nhập ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu cho đời sống được tốt hơn, góp phần nâng cao tinh thần, sức khoẻ cho viên chức y tế đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, điều trị và chăm sóc cho nhân dân. Tăng định mức biên chế cho ngành nhằm đảm bảo công tác khi dịch bệnh xảy ra, đào tạo nguồn nhân lực phòng chống dịch nhất là tuyến xã và y tế dự phòng.
Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cũng cho biết, theo thống kê, An Giang có khoảng 145 nhân viên y tế nghỉ việc (trong đó có 38 bác sĩ).
“Về lâu dài, tôi nghĩ nên xét lại bậc lương của ngành Y tế. Vì ngành Y tế có thời gian học lâu hơn khác ngành khác, mà ra trường bậc lương thấp quá chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Do đó, họ nghỉ ra làm các bệnh viện tư nhân lương mỗi tháng mười mấy triệu để cuộc sống thoải mái hơn”, ông Hiền nói.
Tại TP. Cần Thơ, hiện có 111 trường hợp nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó, có 48 bác sĩ, còn lại là các đối tượng khác. Ông Phạm Phú Trường Giang - Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành Sở Y tế cho biết, nhiều cán bộ nghỉ việc có rất nhiều lí do. Thứ nhất là thu nhập kém; thứ hai, áp lực công việc lớn; thứ ba, tâm lí họ cũng hoang mang lo sợ. Đối tượng nghỉ không tập trung một đơn vị nào mà rải rác.
Theo ông Giang, các bác sĩ nghỉ việc đa số đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Họ nghỉ để ra ngoài đi làm các bệnh viện tư nhân, vì thu nhập của bệnh viện công lập thấp.
Tương tự, tại Vĩnh Long, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỉnh có 35 nhân viên y tế làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Nguyên nhân là do chế độ tiền lương không đủ đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế…