Theo báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam tháng 7, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đạt 11%. Nhóm chuyên gia kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm tới là 15%/năm.
Công ty chứng khoán cho rằng việc đẩy mạnh số hóa và tăng cường liên kết với các ngân hàng giúp doanh số bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nhân thọ trong những tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, doanh số ngành bảo hiểm phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng ở mức 1 chữ số mỗi năm trong 5 năm tới.
Số liệu mới đây của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy tính tới cuối tháng 5/2022, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1%.
Có thể nhận thấy, mảng bảo hiểm phi nhân thọ có được mức tăng trưởng tích cực trong 5 tháng nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của cả năm 2021. Hiệp hội cho rằng đà tăng trưởng này dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách.
Báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm gần đây của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng Luật kinh doanh bảo hiểm mới (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một giải pháp để cải thiện cấu trúc tổng thể của thị trường, do lợi nhuận hiện tại không được phân bổ hợp lý trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.
Cụ thể, trong khi các công ty môi giới bảo hiểm được hưởng biên lợi nhuận cao vào thời điểm hiện tại, các công ty kinh doanh bảo hiểm đang phải chịu gánh nặng với việc giải quyết bài toán quản lý chi phí (từ định phí bảo hiểm, cấp đơn, chi phí bán hàng, hoa hồng cho đến việc quản lý hợp đồng & quản lý bồi thường cũng như tránh trục lợi bảo hiểm) và khả năng sinh lời ở mức thấp.