Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán ACBS nhận định, thời gian qua nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã giảm điểm trước những lo ngại về lạm phát và suy thoái sau khi các Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong nước, các yếu tố cơ bản vĩ mô của Việt Nam vẫn vững chắc và doanh nghiệp tiếp tục đạt lợi nhuận cao, nhưng tâm lý thị trường vẫn yếu khi các vấn đề trên thế giới đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư.
Hiện tại, ACBS cho rằng quyết định tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác đang tác động đến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới trong ngắn hạn do nhà đầu tư có thể chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn khác như trái phiếu và đô la Mỹ.
Những rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt chủ yếu đến từ bên ngoài, với lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, nguy cơ lạm phát nhập khẩu tiềm ẩn, trong khi giá cả hàng hóa biến động và sự phục hồi kinh tế khó đoán của Trung Quốc do chính sách zero-COVID tiếp tục góp phần gây ra bất ổn với thị trường toàn cầu và thị trường trong nước.
Ba kịch bản cho VN-Index nửa cuối năm
Dự báo về thị trường thời gian tới, ACBS cho rằng thu nhập EPS của VN-Index sẽ tăng trưởng 18,3% nhờ lĩnh vực ngân hàng, hàng tiêu dùng và dịch vụ, dầu khí cũng như vận tải. Đội ngũ phân tích cũng đưa ra ba kịch bản cho thị trường trong nửa cuối năm.
Kịch bản cơ sở, chuyên gia đưa ra giả định rằng thị trường sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm trên cơ sở thu nhập doanh nghiệp vẫn ổn định và môi trường vĩ mô có thể duy trì quỹ đạo hiện tại trong môi trường toàn cầu bất lợi, dẫn đến định giá quay trở lại mức trung bình 3 năm gần đây vào khoảng 15,5 lần, đưa chỉ số lên khoảng 1.600, tương đương với P/E năm 2022 khoảng 11,7 lần vào cuối tháng 6.
Kịch bản lạc quan dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên toàn thế giới kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam và thu nhập doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Dựa trên kịch bản đó, VN-Index sẽ đạt mức 1.700-1.800 điểm tương ứng với P/E 2022 là 10,9 lần vào cuối tháng 6.
Kịch bản bi quan có thể diễn ra khi sự bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm thị trường toàn cầu với lo ngại gia tăng về lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng nhanh và mạnh trước áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc các biến thể mới của Covid-19 đe dọa các hoạt động kinh tế.
Điều này sẽ dẫn đến thu nhập giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của nhà đầu tư mới vốn đã ủng hộ thị trường trong thời gian gần đây. Trong kịch bản này, chúng ta có thể thấy chỉ số nỗ lực để đạt được mức tăng trưởng trong năm và giao dịch quanh mức 1.400 điểm, tương đương với P/E 2022 là 12,3 vào cuối tháng 6.
Thị trường còn nhiều tiềm năng trong dài hạn
Xét về mức định giá thị trường, đội ngũ phân tích ACBS đánh giá P/E của VN-Index đã giảm về 13 từ mức 13,9 của tháng trước, đem đến mức giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt có thể tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp. Theo đó, chỉ số P/E vẫn thấp hơn mức trung bình của các thị trường ASEAN và duy trì mức định giá hấp dẫn với P/E dự phóng là 11,7.
Về tăng trưởng thu nhập (ROE) hiện tại của VN-Index đạt khoảng 13%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Với mức tăng EPS dự kiến là 18,3% cho năm 2022, tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020-2022 sẽ đạt khoảng 17,2%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực. Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 11,7, ACBS đánh giá thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường ngang hàng.
Bàn về triển vọng thị trường trong dài hạn, bất chấp sự điều chỉnh của thị trường gần đây, chuyên gia phân tích cho rằng các nền tảng cơ bản của cả nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán đều có vị thế tốt để tăng trưởng mạnh trong dài hạn bất chấp những biến động trong ngắn hạn. Việc gia nhập vào thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân, báo hiệu tốt cho sự phát triển liên tục của thị trường với sự hỗ trợ bởi các nhà đầu tư trong nước.
Đặc biệt, sau ba tháng liên tiếp mua ròng, giá trị mua ròng tính từ đầu năm của nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều lên 92 triệu USD. Mặc dù mức mua ròng tính từ đầu năm là một con số khiêm tốn, song sẽ không có sự thay đổi cơ cấu thị trường nào có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn quá lâu do triển vọng trong dài hạn của thị trường Việt Nam quá hấp dẫn để bỏ qua.
Bên cạnh đó, làn sóng thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước và niêm yết mới sẽ bắt đầu trong bối cảnh điều kiện thị trường chứng khoán đang tốt như hiện nay, mang đến những cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư. Nền tảng giao dịch mới của HOSE dự kiến sẽ được áp dụng trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ có các chức năng mới như giao dịch trong ngày T+0, giao dịch trái phiếu, Đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và các sản phẩm khác góp phần vào sự phát triển của thị trường.