Bất động sản

Doanh nghiệp BĐS huy động hơn 42.500 tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 1/7, có 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với tổng giá trị 30.120 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại hiện đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 27.285 tỷ đồng, lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là 5,16%/năm. Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai, phát hành 1.245 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất trung bình 7,23%/năm. Đứng thứ ba là nhóm doanh nghiệp bất động sản với hơn 1.200 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, có tổng cộng 241 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 155.569 tỷ đồng, chiếm 94,53% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 6% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 80.466 tỷ đồng, tương đương 48.9% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 62.848 tỷ đồng, chiếm 78,1%.

Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 42.583 tỷ đồng, chiếm gần 26%. Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), tiếp theo là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái (gần 62.000 tỷ đồng), giá trị trái phiếu phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản giảm hơn 19.000 tỷ đồng.

 (Nguồn: VBMA).


Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất, các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong vài quý tới, kết hợp với việc cần số tiền lớn nhằm phục vụ cho việc đáo hạn trong năm nay có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này, và cả ngành bất động sản nói chung.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng, điểm tích cực ở nhóm bất động sản niêm yết là các doanh nghiệp quy mô lớn đang tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền. Điều này được thể hiện qua doanh số ký bán mới tăng mạnh trong đầu năm 2022 ở một số doanh nghiệp như VHM (16.500 tỷ đồng), NVL (28.000 tỷ đồng), NLG (7.880 tỷ đồng) và DXG (400 tỷ đồng,…) và triển vọng doanh số ký bán ấn tượng cả năm 2022.

Bên cạnh hai kênh huy động vốn truyền thống là tín dụng và trái phiếu trong nước, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng đã và đang đa dạng nguồn vốn, tiếp cận các kênh mới như quỹ đầu tư, M&A và liên doanh quốc tế. Cụ thể, Novaland mới đây đã hoàn tất chào bán 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền cho các đối tác nước ngoài, Đất Xanh dự kiến phát hành xong 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong quý III/2022 trái phiểu chuyển đổi quốc tế,…

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm