UBND TP HCM vừa phạt Công ty cổ phần Gamuda Land (chủ đầu tư Malaysia) về việc ký hợp đồng mua bán căn hộ tại khu chung cư A5, khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng, khi chưa được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện mở bán.
Đây là hoạt động huy động vốn chưa đúng với quy dịnh của Luật Kinh doanh Bất động sản, có thể dẫn đến rủi ro cho người mua. Theo đó, Gamuda Land bị phạt 900 triệu đồng và buộc khắc phục bằng cách hoàn lại cho khách hàng phần vốn huy động không đúng quy định.
Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng có tên thương mại là Celadon City, tọa lạc tại quận Tân Phú, là một trong 7 dự án thuộc nhóm vướng mắc điển hình liên quan đến chuyển nhượng, đóng thuế, tính thuế được thành phố đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ đầu năm nay.
Ngoài chủ đầu tư trên, UBND TP HCM cũng phạt Công ty cổ phần Bất động sản Khải Thịnh 500 triệu đồng về hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định.
Công ty Khải Thịnh đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy, phường Phú Thuận, quận 7 khi chưa được cơ quan quản lý có văn bản đồng ý bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thành phố áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 4-5 tháng đối với dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy tình trạng bán nhà trên giấy khi chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản trước đây thường gặp ở các công ty trong nước. Với lý do thực hiện song song các thủ tục pháp lý phải chờ lâu, đọng vốn, doanh nghiệp vượt rào bán lúa non (bán trước khi đủ điều kiện huy động vốn).
Song đến nay, tình trạng huy động vốn không đúng quy định đã xảy ra ở doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị được xem là có tiềm lực tài chính, thận trọng thực hiện thủ tục pháp lý dự án. Trong đợt mở bán khu chung cư A5, dự án Celadon City, môi giới giải thích với khách hàng dự án đã đủ điều kiện huy động vốn đối với 50% sản phẩm.
Luật sư Đặng Hoàn Mỹ, Đoàn Luật sư TP HCM nhìn nhận việc chấn chỉnh bán nhà trên giấy rất cần thiết. Khi thụ lý các vụ tranh chấp mua bán nhà hình thành trong tương lai 2 năm gần đây, nhiều tình huống chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán với khách hàng khi chưa đủ các điều kiện huy động vốn.
Những điều kiện dễ nhận biết nhất là dự án có xác nhận của Sở Xây dựng địa phương về việc đủ điều kiện mở bán, chủ đầu tư xuất trình hồ sơ pháp lý hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Các điều kiện này đóng vai trò như hàng rào bảo vệ cho người mua nhà, vốn là bên yếu thế thường nắm dao đằng chuôi trong giao dịch với doanh nghiệp bất động sản.
Bà Mỹ cho rằng các chế tài đối với việc bán nhà trên giấy trái quy định hiện nay còn thấp. Theo quy định hiện hành, khi mở bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng không đảm bảo đầy đủ các điều kiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung – đình chỉ hoạt động kinh doanh 12 tháng. Nếu gây ra hậu quả hoặc thiệt hại, áp dụng biện pháp khắc phục và bồi thường cho người mua.
Trên thực tế, mức phạt hành chính thường chỉ là số lẻ của tổng số tiền đã huy động trong khi phạt bổ sung thiếu hậu kiểm, chưa đủ tính răn đe nên vẫn xảy ra các trường hợp huy động vốn bán nhà trên giấy trái quy định.