Nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm thì cần có nhà vệ sinh
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, hầu hết người dân đều đồng tình, nhất là với những cơ sở đang trực tiếp triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm.
Bà Đặng Thị Cuối, chủ một trang trại nông nghiệp trải nghiệm tại huyện Đan Phượng cho rằng, thành phố đề xuất cho xây dựng một số công trình tạm trên đất nông nghiệp ven sông, đất bãi bồi là phù hợp. Điều đó, sẽ góp phần giải quyết được một số bất cập hiện nay và thuận lợi cho công tác quản lý.
Bà Cuối dẫn chứng, hiện bà đang quản lý một trang trại nông nghiệp du lịch kết hợp sinh thái. Trang trại của bà hoạt động đã nhiều năm và được chính quyền địa phương đánh giá cao. Mỗi ngày, trang trại đón vài đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, khi bà dựng nhà vệ sinh thì bị chính quyền đến tháo dỡ do vi phạm quy định. Cán bộ bảo dù rất thông cảm, nhưng quy định là không được phép. Vì vậy, bà phải tháo dỡ khu vệ sinh, vừa tốn kém lại bực mình. "Có người đến, có khách tới tham quan thì cần phải có chỗ vệ sinh, rửa tay chân, đó là tất yếu. Do đó, tôi rất ủng hộ dự thảo Nghị quyết này", bà Cuối chia sẻ.

Vùng đất bãi thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Hoài (trú tại xã Duyên Thái, huyện Phú Xuyên) cho biết, gia đình hiện thuê hàng chục ha đất ngoài bãi sông Hồng để trồng đào. Vì vậy, gia đình thường xuyên phải thuê thợ đến chăm sóc, bảo vệ cây, nhất là thời điểm cận Tết. Vì thế, gia đình cũng phải bố trí chỗ nghỉ trưa, thậm chí chỗ ngủ qua đêm cho thợ. Hiện nay, bà chỉ dám dựng tạm chòi nhỏ, điện phải "câu" nhờ, không đảm bảo an toàn. Do đó, nếu thành phố cho phép xây dựng công trình tạm, bà rất ủng hộ.
Thuận tiện quản lý, hiệu quả kinh tế
Ông Nguyễn Văn Phấn, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái (huyện Phú Xuyên) cho biết, bản thân rất ủng hộ đề xuất cho phép sử dụng đất bãi ven sông phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm.
Theo ông Phấn, xã Duyên Thái có gần 300ha đất bãi ven sông. Hiện nay, bà con chủ yếu trồng cây ngắn ngày hiệu quả không cao. Nếu làm nông nghiệp du lịch kết hợp trải nghiệm sẽ phát huy được hết những giá trị của đất đai , đồng thời thu hút đầu tư.
Ông Đinh Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) cho rằng, nếu nghị quyết được thông qua thì sẽ thuận lợi hơn cho cơ sở trong quản lý đất đai.

Khu đất nông nghiệp ven sông tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng.
Theo ông Thành, hiện đất ven sông của nhiều địa phương có phát triển mô hình du lịch sinh thái hiệu quả cao nhưng lại vi phạm quy định. Bởi trên đất chắc chắn sẽ có một số công trình phục vụ sinh hoạt, trải nghiệm của du khách. Nếu kiểm tra, chắc chắn sẽ ra vi phạm. Chính quyền địa phương có xử lý hôm nay, hôm sau chủ đầu tư sẽ dựng lại nên cán bộ cơ sở rất vất vả. Giờ nếu có quy định, chính quyền cấp xã sẽ không phải bận tâm đến nhóm đất đai này nữa.
Ngoài ra, ông Thành cũng đề nghị làm rõ hơn về "nhà tạm" trên đất nông nghiệp. Bởi lẽ, hiện nay nhiều máy móc nông nghiệp giá trị cao, người dân cần phải có chỗ bảo quản để đảm bảo an toàn. Nếu dựng tạm "lều" thì nguy cơ mất cắp có thể xảy ra, còn nhà đổ bê tông, xây gạch thì lại xem là "kiên cố", sẽ gây khó cho chính quyền địa phương.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Thưởng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thọ An (huyện Đan Phượng) cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như cho phép sử dụng đất bãi ven sông để làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm sẽ phát huy hiệu quả kinh tế, thu hút đầu tư.
Theo ông Thưởng, tại xã Thọ An có hàng trăm ha đất ven sông, đất bãi bồi với thế đất thoai thoải rất đẹp. Tuy nhiên, hiện nay địa phương cũng chỉ trồng cây hằng năm, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, rất thích khu vực đất bãi này và mong muốn làm nông nghiệp du lịch kết hợp trải nghiệm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu các quy định hiện tại nhà đầu tư lại rút bởi nếu chỉ cho trồng cây hằng năm thì không ai muốn, còn làm "chui" thì quá rủi ro. Vì thế, họ hẹn nếu chính sách thay đổi thì sẽ quay trở lại đầu tư. "Sắp tới đây, nếu dự thảo được thông qua, chắc chắn việc đấu thầu thuê đất ven sông, bãi bồi tại xã sẽ rất sôi động, bởi có nhiều nhà đầu tư tham gia", ông Thưởng chia sẻ.