
Trong bối cảnh Việt Nam đang ở giai đoạn, tăng tốc, bứt phá, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, Nghị quyết 68-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương ban hành về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân.
"Trong đó, doanh nhân sẽ là những người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ chiến thắng trận đánh này thế nào?", ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đặt câu hỏi.
Theo ông Bình, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, mặc dù cuộc sống của người Việt đã tốt hơn trước đây rất nhiều, nhưng nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam mới chỉ ở mức 4.700 USD. Con số này vẫn còn tương đối khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng.
"Bài toán đặt ra là làm sao để thu nhập đầu người của Việt Nam phải bằng các nước Bắc Âu thì mới có thể nói rằng chúng ta chiến thắng trận chiến này", ông Bình nhận định.
Do đó, theo lãnh đạo FPT, điều trước nhất là phải làm thế nào để thể chế không còn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, mà thể chế của Việt Nam phải là một lợi thế cạnh tranh với tất cả các quốc gia khác.
"Làm thế nào để tổ chức bộ máy của chúng ta là tinh giản nhất, hiệu quả nhất, hiệu lực nhất. Làm thế nào để đứng đầu các đơn vị là những người tài giỏi sẵn sàng dấn thân, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước, vì sự hùng mạnh của quốc gia", ông Trương Gia Bình nói thêm và cho rằng lực lượng lao động của Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải có tự hào dân tộc, một tình yêu mãnh liệt và một niềm tin sâu sắc là Việt Nam sẽ vươn mình, sẽ đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên tiến trên thế giới.
Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh, để có thể đưa dân tộc xứng tầm với hàng ngũ các dân tộc tiên tiến trên thế giới, lực lượng lao động của Việt Nam trong tương lai, "ai cũng phải biết tin học và trí tuệ nhân tạo". Bởi lẽ, để Việt Nam đạt được mức thu nhập cao so với các nước phát triển, thì cần phải tạo ra được những giá trị to lớn và khác biệt, và điều đó chỉ có công nghệ mới có thể làm được.
"Chúng ta quản trị một cách tốt nhất, bằng công nghệ, chúng ta làm chiến lược tốt nhất bằng công nghệ. Chúng ta triển khai đề án tốt nhất bằng công nghệ và chúng ta tạo ra sản phẩm tốt nhất bằng công nghệ. Đồng thời, chúng ta sẽ phải là quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn, chúng ta phải đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Chúng ta phải tạo ra những dấu ấn mà trong đó còn chứa đựng trí tuệ của người Việt Nam".
Một mục tiêu quan trọng khác mà ông Bình nhấn mạnh là phát huy sức mạnh toàn dân.
"Trong quá khứ, chúng ta đã vượt qua những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, trở thành người chiến thắng bởi chúng ta đã khai thác sức mạnh của toàn dân. Vậy bây giờ làm thế nào để toàn bộ nhân dân tự hào về dân tộc mình và sẵn sàng đứng lên hiến thân, giải phóng tất cả khả năng lao động, khả năng sáng tạo, đổi mới và phải làm trên quy mô cả nước, từ các địa phương cho đến Trung ương, từ các cấp chính quyền cho đến các bạn trẻ bước vào thị trường lao động", ông Bình phát biểu.
Ngoài ra, học sinh Việt Nam cần phải thông thạo ngoại ngữ, để trí tuệ Việt Nam được trao đổi với các chuyên gia công nghệ hàng đầu của các nước tiên tiến: "Ngoại ngữ, công nghệ của chúng ta phải bình đẳng với các nước tiên tiến thì chúng ta mới có thể hội nhập tốt được. Tôi rất hy vọng là các trường đại học có thể cùng nhau tạo ra nguồn nhân lực mới, để làm sao người Việt Nam trở thành nguồn nhân lực cả thế giới đều cần, kể cả về quản trị, chuyên môn sâu, hay về công nghệ thông tin", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.