Ông Tuấn có tiền sử bệnh tim, khám tổng quát định kỳ được bác sĩ tư vấn đánh giá chuyên sâu tim mạch và tầm soát đột quỵ. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy ông Tuấn có cholesterol toàn phần cao 7,2 mmol/L, LDL-C 4,8 mmol/L; các chỉ số huyết áp và đường huyết trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, khi siêu âm Doppler, bác sĩ phát hiện dòng chảy xoáy mạnh, lòng động mạch cảnh (động mạch lớn ở vùng cổ, dẫn máu lên não) bên phải hẹp khít. Kết quả CT 1975 lát cắt mạch máu não cho thấy mảng xơ vữa choán gần 90% lòng động mạch cảnh.
Ngày 8/5, BS.CKII Trần Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Tuấn bị hẹp động mạch cảnh nặng, nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ cao đột quỵ đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng. Bác sĩ chỉ định can thiệp cho ông bằng phương pháp đặt stent động mạch cảnh.
Êkíp thực hiện can thiệp nội mạch dưới hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA hiện đại. Sau khi được gây tê vùng bẹn, bác sĩ luồn một ống thông siêu nhỏ từ động mạch đùi lên động mạch cảnh bị hẹp ở cổ, mang theo stent và các vật liệu chuyên dụng khác. Trước khi nong và đặt stent, bác sĩ triển khai dụng cụ bảo vệ não phía trên chỗ hẹp để ngăn các mảnh xơ vữa bung ra, di chuyển lên não.

Bác sĩ Trung tâm Tim mạch Can thiệp đặt stent cho ông Tuấn tại phòng DSA. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Dựa trên dữ liệu hình ảnh từ CT 1975 lát cắt, êkíp xác định chiều dài, đường kính mạch, lựa chọn stent phủ kim loại mỏng phù hợp. Stent được đưa vào bằng ống thông siêu nhỏ và tự nở, cố định vào thành mạch, khôi phục lưu thông máu bình thường.
Hậu can thiệp, ông Tuấn tỉnh táo, không xuất hiện triệu chứng thiếu máu não trong suốt quá trình can thiệp. Kết quả siêu âm Doppler động mạch cảnh và CT 1975 lát cắt kiểm tra sau can thiệp cho thấy stent mở hoàn toàn, dòng máu lên não thông suốt. Bệnh nhân được xuất viện sau 48 giờ với phác đồ điều trị nội khoa kép bằng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và thuốc hạ lipid máu.
Ba tuần sau can thiệp, sức khỏe người bệnh ổn định, không có dấu hiệu tái phát. Bệnh nhân có thể trở lại công việc bình thường và được bác sĩ tư vấn điều chỉnh lối sống, chế độ ăn giảm mỡ, tăng cường vận động, uống thuốc đều đặn.
Bác sĩ Thanh Trúc lưu ý nhiều bệnh lý tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch, dị dạng, hẹp hay phình mạch máu thường diễn tiến âm thầm không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi xảy ra biến cố. Mỗi người nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất một lần mỗi năm, nhất là những người trên 40 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi
20h ngày 08/05, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Hiểu đúng về khám sức khỏe tổng quát và tầm soát bệnh nguy hiểm - Khi nào cần thiết?", phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ tham gia tư vấn gồm BS.CKII Ngô Trần Quang Minh, BS.CKII Trần Thị Thanh Trúc, BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |