Trả lời:
Thừa cân, béo phì ngày càng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và là yếu tố tác động lớn đến khả năng thụ thai lẫn quá trình mang thai. Chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt ngưỡng, nhất là BMI trên 29 khiến khả năng thụ thai giảm rõ rệt. Nguyên nhân do béo phì ảnh hưởng đến hoạt động của trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, làm rối loạn rụng trứng, cản trở sự phát triển của nang trứng, giảm chất lượng noãn và ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi thai.
Tình trạng thừa cân cũng tác động đến nội tiết và chuyển hóa. Quá trình này không chỉ khiến quá trình thụ thai khó khăn mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ sinh sản, nếu bạn có ý định can thiệp.

Đo InBody cho người bị thừa cân, béo phì. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trường hợp bạn mang thai khi đang béo phì, nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn nhiều so với phụ nữ có BMI bình thường. Bởi trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ bị ảnh hưởng từ các hormone do nhau thai tiết ra dẫn đến tăng đề kháng insulin. Phụ nữ béo phì thường có tình trạng kháng insulin tồn tại từ trước. Khi mang thai, mức độ kháng insulin tăng mạnh trong khi cơ thể không đủ khả năng tăng độ nhạy với insulin để bù lại, từ đó dẫn đến rối loạn dung nạp glucose và nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Một số vấn đề có thể gặp khác như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, sảy thai hoặc sinh con có cân nặng lớn hơn bình thường.
Bạn nên giảm cân để đưa BMI về mức hợp lý (khoảng 18,5-22,9) trước khi mang thai. Kiểm soát cân nặng không chỉ tăng khả năng thụ thai mà còn giúp bạn có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh cho cả mẹ và con. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phác đồ điều trị giảm cân an toàn, hiệu quả và theo dõi sức khỏe sinh sản.
Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |