Sự thiếu kiên nhẫn của thế hệ Millennials và Gen Z ở châu Á là một trong nhiều lý do khiến Mike Kim, người đứng đầu bộ phận đầu tư vào startup khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Google, nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực, theo Forbes.
Kim nói trong một cuộc phỏng vấn: “Những người trẻ ở châu Á hiện nay muốn có mọi thứ. AI cho phép mọi người, chỉ bằng một lần chạm nút, có quyền truy cập vào một số tài nguyên tốt nhất, cho dù đó là về y tế hay tài chính. Đó là lý do mọi người rất hào hứng với công nghệ này".
Kim biết quá rõ về nhu cầu của châu Á. Ông lớn lên ở Thung lũng Silicon và làm việc ở Mỹ trong khoảng một thập kỷ tại các công ty công nghệ như LinkedIn và nhà sản xuất trò chơi di động Zynga. Sau đó, cuối năm 2014, Kim, một người Mỹ gốc Hàn, chuyển đến Seoul để gia nhập Woowa Brothers, công ty khởi nghiệp giao đồ ăn hàng đầu của Hàn Quốc, tận mắt chứng kiến văn hóa nhịp độ nhanh chóng của đất nước. “Chúng tôi gọi nó là “ppalli-ppalli” [văn hóa] ở Hàn Quốc, có nghĩa là “nhanh”, Kim chia sẻ.
Hai năm sau, Kim gia nhập Google for Startups với tư cách là Giám đốc quan hệ đối tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một năm sau, ông được thăng chức làm Giám đốc khu vực của Google for Startups và chuyển đến Singapore, một trung tâm khởi nghiệp sôi động khác ở châu Á, nơi Google có trụ sở chính trong khu vực.
Trong vai trò giám sát chi nhánh hỗ trợ khởi nghiệp của Google tại châu Á - Thái Bình Dương, Kim nhận thấy cơ hội phát triển đầy hứa hẹn cho các công ty khởi nghiệp AI trong khu vực, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ đối với công nghệ ngày càng quan trọng này, đội ngũ nhân tài dồi dào, dân số gia tăng nhanh chóng cùng các yếu tố khác.
Các startup AI và Fintech có nhiều tiềm năng phát triển
Kim chỉ ra AI For Pet có trụ sở tại Seoul như một ví dụ về một startup AI đang phát triển nhanh chóng ở châu Á - Thái Bình Dương. Được thành lập chỉ 3 năm trước bởi Euna Hur, AI For Pet vận hành một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh có thể phát hiện các bệnh về mắt và da ở chó mèo bằng cách sử dụng máy ảnh của điện thoại và các thuật toán AI. Công ty khởi nghiệp đang nỗ lực mở rộng khả năng chẩn đoán để bao gồm bệnh nướu răng và các bất thường về khớp.
AI For Pet đã huy động được hàng triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư bao gồm Ngân hàng Công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Hàn Quốc, Công ty Chứng khoán Đầu tư Tài sản Hàn Quốc và POSTECH Holdings, một công ty được hỗ trợ bởi Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, một trong những trường đại học công nghệ hàng đầu xứ Kim chi.
Năm ngoái, công ty khởi nghiệp này đã tốt nghiệp Shinhan Square Bridge Incheon, một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được bảo trợ bởi Tập đoàn Tài chính Shinhan của Hàn Quốc cùng một số đơn vị khác.
Đầu tháng này, AI For Pet tiếp tục tốt nghiệp Cloud Academy của Google for Startups, một chương trình kéo dài ba tháng, nơi các công ty khởi nghiệp nhận được sự cố vấn và đào tạo về phân tích dữ liệu và học máy, cùng những chương trình khác.
Dân số châu Á đang già đi nhanh chóng là một lý do khác khiến Kim lạc quan về các công ty khởi nghiệp AI. Theo một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc, khu vực này là nơi có 7 quốc gia sở hữu dân số già hóa nhanh nhất trên thế giới, gồm Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ma Cao, Maldives, Thái Lan và Hong Kong.
Theo công ty nghiên cứu Euromonitor, vào năm 2040, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số cao tuổi trên thế giới (những người từ 65 tuổi trở lên). "Trong khi Nhật Bản sẽ vẫn là quốc gia có dân số già nhất thế giới với tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất vào năm 2040, thì Hàn Quốc và Singapore sẽ xuất hiện trong danh sách 5 quốc gia có dân số già nhất thế giới sau nhiều thập kỷ", Euromonitor cho biết.
“Khi bạn có dân số già như Hàn Quốc và Nhật Bản thì mọi thứ phải nghiêng về phần cứng và robot nhiều hơn. Công nghệ hoặc phần mềm bên trong robot sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo. AI có thể hỗ trợ một công ty khi không có đủ người để thuê”, ông Kim nói thêm.
Latona ở Nhật Bản đang giúp các công ty làm được điều đó. Startup có trụ sở tại Tokyo cung cấp phần cứng và phần mềm do AI hỗ trợ giúp tự động hóa và số hóa các quy trình. Tháng 12/2020, Latona đã ra mắt một ứng dụng hỗ trợ AI có tên OMOTE-Bako giúp số hóa các quy trình front-end cho khách sạn và ryokans (nhà trọ truyền thống của Nhật Bản), chẳng hạn như đặt phòng và nhận phòng. Năm ngoái, startup này đã nhận được khoảng 10 triệu USD vốn đầu tư trong các khoản đầu tư từ Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son và nhà quản lý tài sản Nhật Bản Sparx Group.
Latona được dẫn dắt bởi CEO Kyoko Otawa, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp vào năm 2018 sau khi đảm nhận vị trí tư vấn tài chính và công nghệ tại công ty tư vấn CNTT Accenture và cố vấn tại công ty thương mại điện tử khổng lồ Rakuten của tỷ phú Hiroshi Mikitani.
Năm 2020, Otawa là một trong 7 nhà sáng lập nữ ở châu Á được mời tham gia chương trình Google for Startups ’Immersion: Women Founders, chương trình cung cấp các cơ hội cố vấn và kết nối. Tháng 5, Latona đã tốt nghiệp chương trình tăng tốc tại Nhật Bản của Google for Startups, nơi công ty khởi nghiệp được đào tạo về các sản phẩm của Google, như nền tảng máy học TensorFlow, cố vấn từ nhân viên của Google và các chuyên gia trong ngành cũng như các cơ hội kết nối.
Kim cũng nhìn thấy cơ hội lớn trong lĩnh vực fintech đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở Ấn Độ và Đông Nam Á, nơi hàng triệu người không sử dụng ngân hàng hoặc các tổ chức truyền thống khác. Kim nói: “Bạn có thể sáng tạo lại cách mọi người gửi ngân hàng và đầu tư, và nhiều người có thể sử dụng công nghệ AI để làm điều đó”, Kim nói, chỉ ra NIRA, có trụ sở tại trung tâm công nghệ Bengaluru, miền nam Ấn Độ, làm ví dụ.
Được thành lập vào năm 2017 bởi Nupur Gupta và Rohit Sen, NIRA điều hành một ứng dụng cung cấp các khoản vay cá nhân nhỏ (lên đến 100.000 rupee hoặc 1.250 USD). Ví dụ, công nghệ AI có thể được sử dụng để tăng tốc độ chấm điểm tín dụng và bảo lãnh khoản vay. Vào năm 2019, startup này đã hoàn thành chương trình tăng tốc của Google cho Startups tại Ấn Độ bảo trợ.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, gần 1/4 tổng số người trưởng thành ở Ấn Độ, tương đương 230 triệu người, vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Kim nói: “Có một lượng lớn dân số chưa sử dụng ngân hàng. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó thì đó là một thách thức lớn, nhưng theo một nghĩa khác thì đó là một cơ hội tuyệt vời”.