Theo đó, trên Fanpage chính thức của mình, Shark Phạm Thành Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ cho biết thương vụ đã không thể diễn ra và vị cá mập sẽ không thể rót vốn cho CF6 của nữ nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân.
"Sau khi thay đổi phương án tổ chức và nội dung, chương trình CF6 không còn phù hợp với tiêu chí và thỏa thuận của hai bên. Do đó, Shark Phạm Thanh Hưng và Cen Land quyết định không tham gia đầu tư chương trình CF6", đại diện Shark Hưng thông báo. Tuy nhiên, phía Shark Hưng và Cen Land sẽ tham gia với vai trò là một nhà tài trợ cho chương trình CF6 của Cello Fundamento, diễn ra vào tháng 11 tới.
Nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân cũng đã lên tiếng ngay sau đó. Bà cho biết việc không thể cùng shark Hưng đi đến thoả thuận đầu tư 2 tỷ đồng cho CF6 trong thời điểm cận kề buổi concert là một bất ngờ, và cũng là một cú shock đối với nữ nghệ sỹ.
"Bất ngờ thì không hẳn là điều xấu, đôi khi còn là một cánh cửa mới tốt đẹp hơn thì sao nào? 2 tỷ đồng của nhà đầu tư thực chất sẽ là một khoản nợ trách nhiệm của Xuân và ekip, vẫn phải trả lại đầy đủ đấy chứ. Tuy không đầu tư, nhưng Cenland cũng đã nhìn thấy và đánh giá cao giá trị cộng đồng của CF6, do đó trở thành một trong những nhà tài trợ cho chương trình", nữ nghệ sỹ chia sẻ.
Như vậy, Shark Tank Việt Nam mùa 4 thực tế ghi nhận 4 startup được rót vốn là Vua Cua (Shark Liên); BluSaigon (Shark Việt); AnHome (Shark Phú); Coolmate (Shark Bình).
Điều này trái ngược với thông tin ban tổ chức Shark Tank Việt Nam công bố hồi đầu mùa 5. Khi đó, đại diện ban tổ chức trả lời chúng tôi rằng Cello Fundamento đã được thẩm định và hồi đầu tháng 6, Shark Tank Việt Nam đã cập nhật thêm cái tên Cello Fundamento vào danh sách startup được góp vốn.
Cello Fundamento được sáng lập bởi nghệ sỹ Cello Đinh Hoài Xuân, xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 9, kêu gọi 2 tỷ đồng để tổ chức CF6 dự kiến diễn ra vào năm 2022. Ở thời điểm lên sóng, Shark Hưng khẳng định việc đầu tư vào Cello Fundamento là không rõ ràng song ông chấp nhận hỗ trợ tài chính 2 tỷ đồng đổi lại cho 70% lợi nhuận nếu có.
Trong đó, số lợi nhuận mà Shark Hưng có thể nhận sẽ được ông góp vốn luôn vào công ty được thành lập sau đó. Shark Hưng cũng đặt ra yêu cầu trong mọi trường hợp sẽ phải lấy lại được 2 tỷ đồng đầu tư ban đầu.
Shark Hưng là cá mập chính duy nhất không xuống tiền
Trong mùa 4 Shark Tank Việt Nam, Shark Hưng là người chốt deal riêng thành công nhất với 10 deal cam kết cùng các startup, trong đó có 8 thương vụ độc quyền. Ông đặc biệt quan tâm tới các startup về công nghệ, các sản phẩm kỹ thuật độc đáo, có khả năng mang đến sự đột biến. Tổng cộng, Shark Hưng có tổng số tiền đầu tư hơn 34 tỷ đồng.
Mặc dù mức cam kết đầu tư trên sóng là 34 tỷ đồng, nhưng hiện tại Shark Hưng vẫn chưa chính thức rót tiền cho bất cứ startup nào trong mùa 4. Như vậy, ông là vị cá mập chính duy nhất không rót tiền cho startup ở mùa 4.
Kết thúc Shark Tank Việt Nam mùa 4, có 35 thương vụ nhận được cam kết đầu tư từ các cá mập với tổng số tiền cam kết là 204.678.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 64,81%. Tuy nhiên, chỉ có 4/35 thương vụ được rót tiền thực tế. Tổng số tiền đã được các cá mập giải ngân tới startup là 21,3 tỷ đồng, tỷ lệ chỉ chiếm hơn 10% so với cam kết trên truyền hình.