Công nghệ

Neuralink bị vượt mặt

Theo Bloomberg, công ty chuyên phát triển các giải pháp công nghệ thần kinh Synchron đã thành công trong việc đưa chip vào một bệnh nhân người Mỹ mắc ALS - căn bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và nói.

Ảnh đồ họa mô phỏng chip của Synchron được cấy vào não. Ảnh: Synchron

Ảnh đồ họa mô phỏng chip của Synchron được cấy vào não. Ảnh: Synchron

Quá trình cấy chip của Synchron thông qua một hệ thống gọi là Stentrode. Công nghệ này cho phép các chuyên gia đưa chip vào não mà không cần phải cắt qua hộp sọ hoặc làm hỏng mô não. Các bác sĩ chỉ cần rạch một đường ở cổ bệnh nhân, sau đó hệ thống Stentrode sẽ thông qua ống thông được đặt vào mạch máu bên trong vỏ não ở khu vận động để cấy chip.

Sau đó, bác sĩ chuyển sang quy trình thứ hai là kết nối với một thiết bị điện toán cỡ nhỏ đặt bên trong ngực bệnh nhân. Stentrode đọc tín hiệu được tạo bởi các tế bào thần kinh bắn trong não, gửi tín hiệu đến thiết bị điện toán. Cuối cùng, dữ liệu được gửi đến máy tính hoặc smartphone thông qua Bluetooth để giải mã.

Việc cấy chip hiện đã hoàn tất, nhưng bệnh nhân cần thêm thời gian thích nghi. Synchron kỳ vọng bệnh nhân có thể duyệt web, giao tiếp qua email và tin nhắn chỉ bằng cách suy nghĩ. Sẽ có một thiết bị làm nhiệm vụ chuyển ý nghĩ của bệnh nhân thành hành động thông qua các lệnh được gửi đến máy tính.

Trước đó, Synchron đã thử nghiệm cấy thiết bị cho bốn bệnh nhân ở Australia. Những người này sau đó có thể gửi tin nhắn WhatsApp và mua hàng trực tuyến bằng suy nghĩ.

Việc cấy chip của Synchron được Cục Quản lý Dược Liên bang Mỹ (FDA) chấp thuận vào tháng 7/2021. Trong khi đó, công ty Neuralink của Elon Musk vẫn đang nộp đơn lên FDA và chờ phản hồi.

Musk thành lập Neuralink năm 2016. Ông kỳ vọng công ty sẽ phát triển thành công "giao diện não - máy tính" để có thể điều trị các bệnh về não và cho phép con người có thể hợp nhất với AI trong tương lai. Công ty mới thử nghiệm trên động vật đầu năm ngoái, khi một con khỉ được cấy chip trong hộp sọ và có thể chơi game bằng trí não.

(theo Fortune)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm