Chứng khoán

Góc nhìn CTCK: Tiếp tục rung lắc, trông chờ lực đỡ từ khối ngoại

Góc nhìn CTCK: Tiếp tục rung lắc, trông chờ lực đỡ từ khối ngoại - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch đầu tuần lùi về dưới mốc tham chiếu trước tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Lực cầu gia tăng vào cuối phiên sáng giúp chỉ số đảo chiều thành công. Song, áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu cùng trạng thái giằng co giữa bên mua và bán khiến VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,2 điểm (-0,02%) xuống 1.052,8 điểm.

Thanh khoản trên HoSE cải thiện gần 13% so với phiên cuối tuần trước, giá trị khớp lệnh đạt xấp xỉ 8.853 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại tiếp tục trở thành điểm sáng khi mua ròng 856 tỷ đồng trên toàn thị trường, ghi nhận giá trị giải ngân mạnh tay nhất kể từ phiên 21/12.

Góc nhìn CTCK: Tiếp tục rung lắc, trông chờ lực đỡ từ khối ngoại - Ảnh 2.

Nhận định về thị trường trong những phiên tới, nhiều CTCK đã đưa ra quan điểm nhiều quan điểm trái chiều:

Nhịp điều chỉnh không quá sâu

Chứng khoán Agriseco: Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đang vận động trên đường trung bình động MA20. Những yếu tố vĩ mô bất định của thị trường tài chính thế giới có thể khiến chỉ số tiếp tục rung lắc trong các phiên sắp tới. Tuy nhiên, Agriseco Research kỳ vọng nhịp điều chỉnh sẽ diễn ra không quá sâu nhờ sự nâng đỡ của dòng vốn ngoại. Vùng hỗ trợ nhà đầu tư cần lưu ý quanh vùng 1.030-1.040 điểm.

Rung lắc mạnh hơn

Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng phiên 13/03 vẫn duy trì được sự cân bằng khi tiếp tục bám sát phía trên đường trung bình động MA20. Tuy nhiên, xét về khung đồ thị giờ, VN-Index liên tục rung lắc khi chạm đường Senkou - span B và đồng thời cũng là vùng kháng cự quanh khu vực 1.050.

Thêm vào đó, hai chỉ báo MACD và RSI tại khung đồ thị này cũng đang cho tín hiệu tạo đỉnh phân kỳ âm ngắn hạn, kèm theo việc DI- đang có dấu hiệu hướng lên cho thấy VN-Index có thể sẽ có rung lắc mạnh hơn trong phiên 14/03. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên giao dịch ngắn hạn và cần bám sát diễn biến giao dịch trên thị trường để kịp thời chốt lời nhằm bảo vệ thành quả nếu áp lực giảm giá gia tăng mạnh mẽ hơn trong những phiên tới.

Đi ngang với thanh khoản thấp

Chứng khoán Yuanta: Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại với mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index là 1.040 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên mặt bằng thanh khoản sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Tâm lý nhà đầu tư không quá bi quan do ảnh hưởng từ sự kiện SVB, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn lạc quan trở lại trong ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ vẫn còn đối mặt với các nhịp giảm trong ngắn hạn.

Áp lực điều chỉnh sẽ sớm quay trở lại

Chứng khoán KBSV: Sau nhịp rung lắc đầu phiên 13/03, VN-Index dần hồi phục và diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu đến cuối phiên. Áp lực cung cầu cân bằng khiến cho chỉ số tiếp tục có một phiên đi ngang trong biên độ hẹp.

Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục trong ngắn hạn vẫn tiếp tục hiện hữu, KBSV đánh giá áp lực điều chỉnh sẽ sớm quay trở lại khi VN-Index tiếp cận ngưỡng cản mạnh quanh 1.070 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading quanh ngưỡng kháng cự đã đề cập và đưa tỷ trọng về mức an toàn.

Vùng kháng cự quan trọng 1.050-1.060 điểm

Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục gặp khó khi tiến vào vùng kháng cự 1.050-1.060 điểm (cận trên của kênh giá giảm và đường SMA 50 ngày) phản ánh sự giằng co của cả phe mua và phe bán tại vùng giá này. Hiện tại, đây vẫn là kháng cự quan trọng mà chỉ số cần chinh phục để lấy lại nhịp tăng trong ngắn hạn cũng như hướng đến các mức cao khác.

Xét về thanh khoản, khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên) nhờ sự đóng góp của dòng tiền mang tên khối ngoại. Cùng với đó, FTSE Russell và MVIS đã công bố kết quả danh mục các chỉ số mới sẽ có hiệu lực từ 20/03, do đó các quỹ ETF liên quan sẽ cần hoàn thành tái cơ cấu danh mục vào ngày thứ 6 (17/3) tới đây. Với thông tin này, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ có một tuần giao dịch đầy biến động.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm