Tài chính

Ngân hàng vẫn ‘đốt đuốc’ tìm doanh nghiệp tốt để cho vay

Bởi quan hệ giữa doanh nghiệp - ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp có vay, ngân hàng mới tăng trưởng tín dụng, có lợi nhuận. Doanh nghiệp khỏe, ngân hàng mới khoẻ.

​​​​​Hàng loạt ngân hàng cam kết giảm lãi

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), qua khảo sát hơn 100 doanh nghiệp mới đây cho thấy: Khoảng 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%)... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước.

Trong đó, đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý II/2023 với mức giảm khoảng 50 - 60%. Nguyên nhân do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ; người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sửa chữa. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.

Các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, trong khi áp lực đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi tốt hơn. “Nhiều doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy %. Có doanh nghiệp khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất thì biên độ cộng thêm tới 4,8%/năm khiến lãi suất cho vay sau điều chỉnh tăng cao”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Đại diện một vài doanh nghiệp khác chia sẻ: Ngân hàng đã cam kết giải ngân, nhưng khi doanh nghiệp đã mở thư tín dụng, hàng nhập về cảng, nhưng vốn chưa giải ngân kịp khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí kho bãi. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có chính sách để sớm hạ nhiệt lãi suất.

Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, tại Hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp mới đây, 16 ngân hàng thương mại (NHTM) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung - dài hạn 10%/năm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: OCB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đã giảm từ 1% đến 3% trong vài tuần qua đối với một số lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, thời gian tới, lãi suất còn giảm thêm. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, lãi suất cho vay cao thực chất là rủi ro cho ngân hàng bởi nguy cơ nợ xấu lớn, do đó, các ngân hàng đều muốn giảm lãi suất.

Từ nay tới hết năm 2023, lãi suất cho vay của Ngân hàng TMCP Bắc Á đã giảm từ 0,3%/năm tới 0,5% /năm cho các khoản vay ngắn hạn, hỗ trợ tài chính cho hoạt động kinh doanh của các khách hàng cá nhân. Với thủ tục hồ sơ đơn giản, được thiết kế riêng phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh cá thể, gói ưu đãi có hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng và sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật.

Chương trình được áp dụng cho các khoản vay thuộc đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, mục đích như: cho vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; cho vay trồng, chăm sóc cây công nghiệp; cho vay nông nghiệp trồng rau, hoa, quả; cho vay đầu tư tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của các NHTM, tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 NHTM mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Trong bối cảnh dự báo nhiều khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023, để dòng tín dụng được thông suốt, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc cùng nhau ngồi lại để thảo luận, tìm hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể sẽ là giải pháp quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa ngành Ngân hàng với các doanh nghiệp.

Lấy ví dụ từ gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Nguyên nhân khiến việc giải ngân gói hỗ trợ này không được như kỳ vọng có thể nhìn thấy rõ là do điều kiện tiếp cận. Doanh nghiệp rất mong chờ được vay vốn ưu đãi nhưng thực tế quy định đặt ra của gói hỗ trợ làm khó cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Kiến nghị giảm thời gian thủ tục hành chính

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các tổ chức tín dụng (TCTD) giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ hoặc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp phải mang lại hiệu quả nhanh, kịp thời. “Không chỉ giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn mà còn có hiệu ứng nhanh với thị trường tiền tệ, cùng với các chính sách khác góp phần ổn định thị trường tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp cần có hành động cụ thể như cung cấp dịch vụ tiện ích, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Theo ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank, doanh nghiệp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn cần đi đúng ngành nghề, lĩnh vực cốt lõi của mình và phải minh bạch các số liệu tài chính, tình hình hoạt động càng nhiều càng tốt. “Doanh nghiệp nên có sự lựa chọn các sản phẩm đa dạng khác nhau của các ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, phía doanh nghiệp nên có sự tính toán cẩn trọng về dòng tiền trong tương lai sau khi vay được vốn”, ông Đào Gia Hưng cho biết.

Về phía góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị các bộ, ngành giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ, giảm thời gian làm thủ tục hành chính để đồng hành với doanh nghiệp; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về đất đai, nhà xưởng để có sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều tiêu cực như hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới, trong nước, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng. “NHNN đã có chỉ đạo các TCTD tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm; đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân”, Thống đốc cho biết.

Theo “tư lệnh” ngành Ngân hàng, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp diễn.

Theo đó, các ngân hàng Trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) cũng đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Đến ngày 2/3, chỉ số USD ở mức 104,49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN khi vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. "Đây là một thách thức trong điều kiện nền kinh tế mở, dòng vốn luân chuyển nhanh, mạnh nên cần thực hiện hài hòa, đồng bộ các chính sách điều tiết tiền tệ, lãi suất để hỗ trợ cho việc ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm