Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Ngồi nghe vĩ mô triển vọng khi căng margin, cẩn trọng "nước xa" không cứu được ‘lửa gần’ làm cháy tài khoản

Những người từng bị "gấu vả" là nhưng những người có kinh nghiệm hơn

Chia sẻ về đợt lao dốc mạnh của thị trường thời gian qua trên chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư có 20 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cho rằng thị trường đi xuống là đương nhiên và chúng ta nên đón nhận chuyện đó để có được những trải nghiệm. 

"Đến thời điểm này tôi đã trải qua 4 đỉnh núi và 3 vực sâu rồi. Đỉnh núi thứ nhất vào năm 2001 tại 570 điểm, sau đó thị trường giảm xuống 130 điểm. Hôm vừa rồi thị trường rơi về 1.171 thì nó cho tôi rất nhiều cảm xúc bởi đây cũng chính là vùng đỉnh thiết lập năm 2007, sau đó thị trường rơi về mốc 230 điểm".

Ông Dũng nhận định phải trải nghiệm thì chúng ta mới thấy hết vẻ đẹp của thị trường đi xuống và mới có được những phương pháp để ngăn tài khoản đi xuống, khi thị trường lao dốc chúng ta làm phép tính trừ, còn khi từ đáy đi lên là chúng ta phải học cách để đưa tài khoản về phép tính nhân. Phải thấm được nỗi đau đến tận cùng thì mới thấy được hết vẻ đẹp của thành quả đầu tư sau đó. Nó như một nền móng vững chắc không chỉ ở thế hệ này mà còn cho các thế hệ sau nữa.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI trong chương trình Khớp lệnh của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ về hành trình đầu tư, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho biết cú sốc đầu đời vào tháng 5/2014 khi có sự kiện giàn khoan. Lúc bấy giờ tài khoản giảm khá nhanh và nguy hiểm thì ông có một cú sốc nhẹ ở đó.

Còn nếu nói về nỗi đau lớn nhất là thời điểm năm 2018, khi mà thị trường trải qua đợt giảm điểm khá dài và tài sản bốc hơi tính bằng lần. Tuy nhiên ông Hưng cũng nhấn mạnh, những người từng bị “gấu vả” rồi là những người có kinh nghiệm hơn.

Cơ hội nào cho thị trường ở thời điểm hiện tại?

Ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư có 20 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán là khách mời của chương trình "Bí mật đồng tiền". (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Trần Tiến Dũng, khi kết thúc ngày 31/12/2021, thì bao giờ những nhà đầu tư chuyện nghiệp có những kế hoạch cho năm 2022.

"Thời điểm đó các quỹ và các công ty chứng khoán Việt Nam đưa ra dự báo về các ngưỡng điểm tiếp theo của VN-Index là 1.800, 2.000, 2.200. Tôi khi đó cho rằng không đúng, thị trường sẽ về mốc 1.200 điểm.

Còn với giai đoạn này, tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể thư giãn hơn vì cơ bản lượng hàng margin call đã hết, nghĩa là thị trường không bị áp lực bán ra nữa. Cảm xúc lớn nhất của tôi là phiên thứ Hai khi VN-Index về 1.170 điểm, vùng đỉnh của năm 2007.

Thị trường đi xuống có rất nhiều cái hay mà thị trường đi lên không có được. Cái hay nhất là chúng ta kích thích được ham muốn mua khi nhìn thấy giá rẻ. Cái thứ hai là mình theo được với thị trường".

Theo ông Dũng, không có bí quyết nào để có thể khiến tài khoản từ một mầm cây bé nhỏ trở thành một cây đại thụ ngoài việc học hỏi và hiểu biết về doanh nghiệp, sau đó mới đặt lệnh mua/bán. Ông Dũng nhấn mạnh giai đoạn vừa qua nhà đầu tư cá nhân mất nhiều là do hoàn toàn dựa dẫm vào 3 chữ cái của các môi giới (broker), luôn trong tâm lý muốn giàu nhanh, muốn đầu cơ nhưng lười biếng.

Điều quan trọng nhất của nhà đầu tư là phải tìm được một danh mục tốt, đâu đó chỉ khoảng 5 mã, kể cả sau này có 5.000 – 7.000 mã trên sàn thì nhà đầu tư cũng chỉ nên giữ tối đa 5 mã tốt và không ngừng học hỏi để có thêm kiến thức.

"Thành bại của nhà đầu tư là tìm được doanh nghiệp tốt để đầu tư còn khi đã thạo rồi chúng ta hoàn toàn có thể đầu cơ trên cổ phiếu đầu tư được vì cổ phiếu tốt mấy cũng luôn có các nhịp lên xuống", ông Dũng nhấn mạnh.

Còn theo quan điểm của Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn dài hạn thì không có vấn đề gì nhiều. Ông Hưng cho biết hiện nay sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường trong nước rất nhiều. Sau khi chúng ta mở cửa thì lượng khách nước ngoài sang tìm hiểu thị trường Việt Nam rất đông.

"Tôi nghĩ là sự quan tâm của họ luôn có, nhưng chúng ta ở vai trò nhà đầu tư cá nhân thì các bạn luôn phải nhớ rằng việc tăng trưởng cao hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì nó sẽ là những câu chuyện giống như "nước xa không cứu được lửa gần". Khi các bạn đang full margin rồi thì việc ngồi nghe những thông tin về triển vọng tăng trưởng cần phải hết sức cẩn thận. Các bạn phải ưu tiên xử lý danh mục của mình trước, còn những câu chuyện dài hạn nó sẽ xảy ra.

Giống như việc tài khoản của tôi giảm mạnh nhất vào năm 2018 nhưng khi nhìn lại năm đó GDP của nước ta thậm chí còn tăng trưởng rất cao lên tới 7%. Rất nhiều nhà đầu tư còn cháy tài khoản vào năm 2018. Do đó những câu chuyện “nước xa” như vậy nhà đầu tư nên biết nhưng cũng phải lưu ý hơn về những “lửa gần” đang làm cháy tài khoản của chính mình", ông Hưng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm