Ngày 13/5, Musk thông báo hoãn mua Twitter để nghiên cứu xem liệu số lượng tài khoản giả mạo trên Twitter có thực sự chỉ dưới 5% như nền tảng này thống kê hay không. Ba ngày sau, tại hội thảo All-In Summit ở Miami, tỷ phú gốc Nam Phi cho biết ông có thể sẽ thương thảo với Twitter về việc mua lại nền tảng này với giá thấp hơn mức 44 tỷ USD.
Trong thỏa thuận trước đó, Musk sẽ phải trả Twitter một tỷ USD nếu "hối hận". "Đây là lối thoát khá rẻ. Số tiền một tỷ USD không thấm vào đâu so với khối tài sản 230 tỷ USD của Musk và so với trị giá hợp đồng 44 tỷ USD", Fortune nhận định.
Tuy nhiên, phía sau bản hợp đồng còn nhiều ràng buộc khiến người giàu nhất thế giới khó lòng từ bỏ việc mua Twitter. "Rời đi với một khoản 'phí chia tay' không phải lựa chọn tốt với Musk lúc này", giáo sư Mitu Gulati nói với Axios. Ông lưu ý điều khoản chấm dứt hợp đồng đi kèm nhiều yêu cầu cụ thể, không đơn giản là người mua thấy mức giá quá cao.
Trong khi đó, CNBC dẫn lời các luật sư rằng việc thị trường chứng khoán bị sụp đổ, kéo theo 9 tỷ USD của Twitter bị bốc hơi, chưa đủ hợp lệ cho Musk viện cớ rút lui. Nếu ông từ bỏ thương vụ vì lý do này, Twitter có thể kiện ông ra tòa, yêu cầu bồi thường thêm hàng tỷ USD chứ không phải chỉ một tỷ USD.
Hai năm trước, công ty Tiffany đã kiện tập đoàn LVMH của Pháp vì cố gắng rút khỏi thỏa thuận chung. Vụ kiện sau đó được giải quyết bằng cách Tiffany đồng ý giảm giá bán công ty từ 16,2 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng các thông điệp úp mở của Musk gần đây chỉ là "chiêu trò" để ép giá Twitter.
Toni Sacconaghi, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Bernstein, nói: "Thị trường đã đi xuống rất nhiều. Musk có thể đang sử dụng chiêu bài này để tạo lợi thế trong đàm phán".
Tuy nhiên, cũng không ít người dự đoán Musk có thể thực sự muốn bỏ thương vụ sau khi cân nhắc kỹ lợi ích. Bloomberg dẫn lời John McClain, Giám đốc đầu tư của Brandywine Global Investment Management: "Vụ thâu tóm 44 tỷ USD của Musk là một khoản đầu tư tồi tệ. Không ai rót số tiền lớn như thế vào một doanh nghiệp như Twitter - nơi chưa bao giờ chứng minh được mình có thể sinh ra lợi nhuận cao".
Tiếp đến là những rủi ro tài chính liên quan. Cổ phiếu của Tesla và Twitter đều giảm mạnh từ lúc thương vụ được công bố. Ngoài ra, những vấn đề về quản trị cũng khiến CEO Tesla không còn hào hứng. Trước đây, ông muốn công khai thuật toán sắp xếp nội dung, biến nền tảng thành "quảng trường tự do", nhưng thực tế mọi thứ không như ông mong muốn. Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng nhân sự đang nhen nhóm ở mạng xã hội này cũng có thể là một trong những lý do khiến Musk suy nghĩ lại.