Anh Nam sở hữu CV với hành trình thăng tiến đáng nể. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa vẫn giữ vị trí nhân viên thì anh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc một phòng giao dịch của Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) khi mới 27 tuổi, trở thành quản lý trẻ bậc nhất hệ thống lúc bấy giờ. Sau 5 năm gắn bó tại LienVietPostBank, anh Nam chuyển sang làm trưởng phòng khách hàng cá nhân tại một ngân hàng khác. Thu nhập hằng năm đều trên dưới 700 triệu đồng.
Bước ngoặt của người mệnh Thổ
"Làm việc tại ngân hàng cho tôi cơ hội tiếp cận được rất nhiều nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là mảng tín dụng. Khi làm hồ sơ, tôi nhận thấy khách thường có 2 mục đích vay chính, nhưng cuối cùng hầu hết đều đổ vào bất động sản.
Thứ nhất, vay tiền để mua nhà, mua đất, xây sửa nhà cửa. Như vậy coi như là chảy gián vào bất động sản rồi (cầu tăng).
Thứ hai là hình thức vay kinh doanh, rất phổ biến với các hộ kinh doanh cá thể. Nhưng 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 hoành hành nên hoạt động đầu tư kinh doanh bị hạn chế khá nhiều. Người ta dùng tiền vay ngân hàng để rót vào bất động sản. Ví dụ, khách chỉ cần 200-300 triệu đồng để kinh doanh thôi, phần còn lại họ đầu tư vào đất. Kinh doanh đạt được lợi nhuận 20-30% đã là thành công rồi, thậm chí trong giai đoạn Covid còn lỗ. Trong khi đó, cùng thời điểm, cơ chế tín dụng rất thông thoáng, lãi suất thấp, bất động sản tại nhiều khu vực có thể tăng giá 2-3 lần trong 5-6 tháng", anh Nam kể lại.
Dù quan sát thấy cơ hội mười mươi, thấy khách lãi 2-3 tỷ/năm trong khi bản thân làm công ăn lương chỉ kiếm 500-700 triệu/năm là tối đa, vị quản lý ngân hàng vẫn chỉ đứng ngoài, chưa có suy nghĩ đầu tư hay rẽ hướng sang nghề môi giới.
Phải đến tháng 6/2021, khi anh Nam cùng vợ đang tìm kiếm một mảnh đất để xây nhà, ra ở riêng, hướng đến cái gọi là "an cư lạc nghiệp". Ròng rã 2-3 tháng, anh mới tìm được mảnh đất ưng ý tại khu vực trung tâm thành phố, phù hợp với nhu cầu sống và tài chính của hai vợ chồng. Đúng lúc định cầm sổ đỏ về vay ngân hàng thì gặp anh Nam gặp một bạn sale.
"Anh bạn chia sẻ rằng vừa mới mua được lô đất, nhờ tôi xem giá mua 12 triệu đồng/m2 đã phù hợp chưa. Tôi xem thì thấy mức giá này là rẻ rồi, có lãi luôn rồi.
Tôi thử đưa cho các bạn môi giới khác xem họ bán được bao nhiêu tiền. Đó là lô đất đầu tiên tôi bán được, trong vòng 3 ngày đã chốt cọc và lãi được 140 triệu đồng, đã trừ hết các chi phí".
Sau cơ duyên này, vị quản lý ngân hàng quyết định nghỉ việc, dành thời gian tìm hiểu, đầu tư và làm môi giới bất động sản.
Anh còn vui vẻ chia sẻ: "Một lý do hơi tâm linh là cả 2 vợ chồng chúng tôi đều thuộc mệnh Lộ Bàng Thổ (đất ven đường đi). Vậy nên có lẽ cũng là có duyên, phù hợp với đất nền rồi".
Rào cản lớn nhất là gia đình
Bỏ nghề ngân hàng nhưng kinh nghiệm 10 năm làm tín dụng vẫn giúp anh Nam sở hữu "nguồn vốn" quý báu: khả năng định giá và tệp khách hàng chất lượng, tiềm lực tài chính tốt. Vì thế mà theo anh Nam, thông thường anh chỉ đăng tin rao là có người quan tâm luôn.
Dẫu vậy nhưng lúc anh Nam quyết định nghỉ ngân hàng, chẳng ai tin. Đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn nghĩ anh chỉ đơn thuần là chuyển công tác sang đơn vị khác. Cả bạn bè thân thiết và bố mẹ đều tiếc: "10 năm phấn đấu rồi, tại sao không phấn đấu lên vị trí cao hơn nữa?".
"Bố mẹ tôi lúc đầu nghe tin cũng buồn lắm. Vì mình mất 12 năm học hành, 4 năm đại học. Có con làm quản lý ngân hàng, là người có vị trí trong xã hội chứ không phải đứa lông bông, bố mẹ cũng phấn khởi, tự hào lắm chứ.
Nhưng bản thân đâu đó cảm thấy mình phải đánh đổi quá nhiều thời gian trong khi có rất nhiều cơ hội ngoài kia. Tôi cũng tự tin vào khả năng của mình, đã tích luỹ đủ kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ và một chút vốn để tự do làm bên ngoài, giúp tâm lý được thoải mái hơn.
Tiếc thì vô cùng lắm, không tiếc mãi được. Mình cảm thấy cần phải dừng thì dừng thôi. Đó là cách bước ra khỏi vòng an toàn suốt 10 năm qua", cựu quản lý ngân hàng tâm sự.
Làm môi giới khác xa so với công việc tại tại ngân hàng. Trước kia, là người làm thuê, anh chỉ cần hoàn thành tròn vai trò, nhiệm vụ được giao và nhận đồng lương ổn định, không có sự đột biến. Đến khi ra ngoài, tư duy không khác gì làm chủ, phải chịu trách nhiệm với đồng vốn của bản thân, phải nghiên cứu, đánh giá rất kỹ mới dám đưa ra quyết định.
Hiện tại, anh Nam vừa tự đầu tư lướt sóng, vừa làm môi giới. Cựu quản lý ngân hàng cho biết hiện thu nhập của mình cao hơn hẳn so với trước kia.
"Mình từ bỏ thu nhập thường xuyên ổn định tại ngân hàng nên khi ra ngoài, phải kỳ vọng thu nhập phải cao hơn, như thế thì tôi mới đánh đổi chứ".
Nhà đầu tư từ Hà Nội đều là "cá mập"
Thay vì đi "đánh bắt xa bờ" khắp Việt Nam, anh Nam chỉ hoạt động chủ yếu ở khu vực Thành phố Vĩnh Yên – nơi anh sinh sống và cũng là nơi anh hiểu rõ giá trị, tình hình giao dịch nhất.
"Trong bất động sản, thông tin là rất quan trọng. Nếu không phải người địa phương thì khó có những thông tin quan trọng và chính xác. Đã không hiểu thì tốt nhất không nên tham gia. Hiện Vĩnh Yên là một thành phố trẻ, mức tăng trưởng vẫn tốt. Bây giờ người dân Vĩnh Yên hầu hết ai cũng có thu nhập ổn định cả, nhu cầu mua và đầu tư bất động sản rất lớn. Thị trường này sẽ còn rất tiềm năng", anh Nam bày tỏ.
Nhưng ngoài các nhà đầu tư trong khu vực, Vĩnh Phúc nói chung và Vĩnh Yên nói riêng còn là nơi được các "cá mập" từ Hà Nội tìm tới, với nguồn vốn 40-50 tỷ đồng là chuyện bình thường.
Anh Nam phân tích, người từ Hà Nội về Vĩnh Yên thường đầu tư theo 2 phương thức:
Thứ nhất, đón đầu đất quy hoạch, ví dụ các khu đô thị. Nếu như các nhà đầu tư địa phương thường chỉ mua những lô 100m2 thì các "cá mập" Hà Nội là người gom các ô lớn 200-300m2.
Thứ hai, đầu tư đất đồi, đất rừng để đợi chờ quy hoạch, thường là các khu công nghiệp. Họ mua cả quả đồi, chờ khi khu công nghiệp triển khai, đền bù thì mới bán.
Vị môi giới 32 tuổi cho rằng giao dịch bất động sản tại Vĩnh Phúc hiện khá sôi động nhưng thực tế, giá đất vẫn rẻ hơn so với các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang. Nhà đầu tư vẫn kéo về Vĩnh Phúc cũng là vì thế.
Thời gian qua, một số khu vực tại Vĩnh Phúc xảy ra sốt đất ảo, môi giới thổi giá lên cao. Tuy nhiên, nhìn nhận ở một mặt khác, anh Nam cho rằng việc thổi giá chỉ làm được khi thị trường sôi động, lượng giao dịch và nhu cầu đầu tư lớn. Bên cạnh đó, ngoài những khu vực sốt ảo, việc các khu đất tăng giá tự nhiên cũng là chuyện bình thường.
Hướng đi "mới" cho người làm bất động sản
Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện một loạt các tin tức của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, bên cạnh đó là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc hạn chế bong bóng bất động sản.
Việc mua lô lớn rồi phân nhỏ ra bán, mập mờ giữa việc "bán đất thổ cư" và bán đất "thổ cư kèm đất vườn" hiện vẫn đang được các nhà đầu tư cá mập áp dụng triệt để. Tuy nhiên, có thể trong thời gian tới, các quy định về đất đai sẽ thay đổi, hạn chế việc thổi giá bất động sản tại các thị trường như: Đánh thuế sử dụng bất động sản, áp thuế thu nhập theo đơn giá thực tế mua bán thay vì đơn giá nhà nước mà hai bên tự kê khai, hạn chế phân lô bán nền bằng việc tăng diện tích thổ cư mỗi thửa…..
Tại các tỉnh còn tiềm năng phát triển như Vĩnh Phúc, anh Nam cho rằng các nhà đầu tư có thể tập trung vào 2 hướng:
- Tập trung vào nhu cầu ở thực tế của người dân: Mua đất trong dân, tại các khu vực trung tâm, có nhu cầu ở thực sự lớn, hạn chế đầu tư đất quy hoạch, đất đấu giá.
- Triển khai mô hình bất động sản nghỉ dưỡng (quy mô lớn hay nhỏ đểu được), để bất động sản không còn là "bất động" nữa, mà phải tạo ra dòng tiền. Các nhà đầu tư có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng, cắm trại, vui chơi ngoài trời, homestay để thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập thường xuyên, với chi phí đầu tư rất thấp.