Thiếu hụt nguồn cung
Ngay từ khi có những thông tin về động thái siết tín dụng vào thị trường BĐS, rất nhiều chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy khôn lường nếu lĩnh vực được coi là đầu kéo của nền kinh tế bị đói vốn. Hiện tại, các số liệu cho thấy cảnh báo này đã thực sự hiện hữu.
Theo Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong những tháng đầu năm, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Trong số đó, nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh BĐS chỉ chiếm khoảng 35%.
"Như vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho kinh doanh bất động sản (đầu tư các dự án bất động sản) không chỉ giảm tốc, mà còn giảm cả về tỷ trọng. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, buộc phải tìm các nguồn vốn khác", Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá.
"Nguồn vốn khác" theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam là kênh trái phiếu. Tuy vậy, báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, biểu đồ phát hành trái phiếu của các DN BĐS trong tháng 4 chỉ là con số 0. Trước đó, BĐS – lĩnh vực với đặc thù cần lượng vốn lớn luôn đứng trong nhóm có tỷ trọng giá trị phát hành cao nhất.
Giá trị phát hành trái phiếu BĐS về mốc 0 trong tháng 4/2022.
Rõ ràng, cả 2 kênh dẫn vốn quan trọng nhất của BĐS là tín dụng và trái phiếu đều đã xuất hiện tình trạng tắc nghẽn sau động thái siết tín dụng với lĩnh vực này. Hệ lụy kéo theo dễ thấy nhất là nguồn cung thị trường tiếp tục giảm mạnh.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 1 năm nay, chỉ có 22 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành với hơn 5.000 căn, bằng khoảng 47% so với quý 4 năm ngoái.
Trong khi đó, báo cáo 4 tháng của DKRA Việt Nam cập nhật con số mới nhất với tình trạng thiếu hụtngày một rõ nét. Trong tháng 4/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh và một loạt các tỉnh giáp ranh (như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…), nguồn cung căn hộ khu vực này chưa chạm tới mốc 2.500 căn, chỉ bằng khoảng 69% cùng kì năm ngoái.
Sự sụt giảm nguồn cung BĐS theo giới chuyên gia là tác động dây chuyền, bởi nếu không có nguồn "vốn mồi" từ tín dụng, khả năng để các doanh nghiệp tự gồng gánh mọi chi phí cho dự án là vô cùng khó khăn. Riêng với doanh nghiệp BĐS Việt Nam, khó khăn lại càng nhiều bởi thực tế, các kênh huy động vốn trong nước khá "đơn điệu" khi các quỹ đầu tư BĐS - vốn phổ biến và là thông lệ quốc tế - lại chưa phát triểntại Việt Nam.
Bất động sản đội giá bất hợp lí
Hệ lụy từ việc siết tín dụng không dừng lại việc tạo nên sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Tác động theo chuỗi đã xuất hiện khi mặt bằnggiá đang bị đẩy lên một cách bất hợp lí.
Số liệu thống kê mới nhất của đơn vị nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn chỉ ra, giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội trong 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng tới 9% so với trung bình giá cả năm 2021. Con số này cao hơn nhiều mức tăng trung bình khoảng 5-8% của 3 tháng đầu năm.
"Rõ ràng thị trường BĐS đang xuất hiện những hệ lụy sau động thái siết tín dụng BĐS. Giá BĐS vốn đã tăng vì nhiều yếu tố khách quan nay lại leo thang, đẩy gánh nặng lên vai người dùng", ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư THS nói.
Điều khiến ông Việt lo lắng hơn là về tình trạng thiếu cung, tăng giá trong dài hạn bởi các chi phí đầu vào như tiền đất, nguyên vật liệu xây dựng, nhân công…lâu nay vẫn tăng và chưa có biểu hiện sẽ dừng lại. Khi chi phí vốn tăng cao, cộng thêm nguồn cung ngày một eo hẹp, giá bán tới người tiêu dùng chắc chắn sẽ ngày một cao.
Phát biểu trong hội thảo tổ chức mới đây, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn thậm chí còn cảnh báo, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đồng tiền ngày một mất giá, xu hướng của người dân là đổ tiền vào kênh an toàn như BĐS. Nhu cầu bùng nổ sẽ thêm một lần đẩy giá BĐS leo thang.
Ở góc nhìn vĩ mô, nhiều chuyên gia kinh tế còn cảnh báo mối liên hệ mật thiết của BĐS – một lĩnh vực vốn được coi là huyết mạch của kinh tế với hàng chục ngành nghề liên quan. BĐS tăng giá sẽ kéo theo tình trạng đội giá ở nhiều lĩnh vực như bán lẻ, sản xuất công nghiệp…Áp lực cộng hưởng từ đó sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế vĩ mô. Điều này là đáng lo bởi hiện tại đang là giai đoạn nhạy cảm để nền kinh tế phục hồi hậu Covid-19, bất cứ lực cản nào cũng có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội hồi sức.
Đào sâu gốc rễ vấn đề, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần thay đổi tư duy về vai trò của bất động sản. BĐS theo ông phải được đánh giá và nhìn nhận đúng, đó một là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là kết quả và đầu vào của tăng trưởng. Thay vì "kiểm soát" tư duy cần có theo ông là "lành mạnh hóa".
"Theo tôi cần thay đổi trong cách tiếp cận theo hướng, đảm bảo cấp tín dụng cho các chủ đầu tư uy tín, có những dự án khả thi, triển khai đúng tiến độ, thanh khoản tốt, có khả năng trả nợ tốt. Ngược lại, đối tượng cần siết chặt là những chủ đầu tư không đáp ứng được các yêu cầu trên, các dự án yếu kém, thậm chí là "chôn" tiền đầu tư", TS Ánh góp ý.