Cha tôi vốn là một người "mù công nghệ"…
Cha không rành sử dụng smartphone, smart TV hay thậm chí là máy tính để bàn. Điều mà cha từng làm tốt nhất trong việc sử dụng công nghệ đó là… sử dụng Google Search. Hồi tôi qua châu Âu để tham gia kỳ trao đổi sinh viên, cha bắt đầu mò mẫm cách truy cập Zalo và Viber để thuận tiện trong việc liên lạc với tôi. Cha rất bận bịu biết với công việc nên dĩ nhiên không thể 24/7 online để trả lời những dòng tin nhắn hay kịp bắt máy những cuộc gọi từ tôi.
Thế nhưng, việc cha có thể sử dụng Zalo và Viber đã là "một chiến tích vĩ đại" rồi. Từ lúc tôi qua châu Âu, cha có thể tự thực hiện một cuộc gọi video với tôi mà không cần "quyền trợ giúp từ người thân"; có thể tự xem được ảnh mà tôi gửi về – những nơi tôi đi qua, những món ăn mà tôi nấu, những thứ nhỏ nhặt khác mà tôi bắt gặp trong hành trình của mình như khung cửa kính trong nhà thờ Đức Bà Paris, những chú cá bơi lội trong Viện bảo tàng hải dương học ở Lisbon, món waffle ở Brussels,… Khỏi phải nói, chỉ cần cha trả lời thôi là tôi đã hạnh phúc khó tả rồi!
Công nghệ đã giúp rút ngắn khoảng cách gần nửa vòng trái đất giữa tôi và gia đình
Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã đem lại sự kết nối cho tôi và gia đình, giúp chúng tôi thêm gần nhau hơn, dù là họ và tôi đang cách xa gần nửa vòng trái đất. Việc giao tiếp tự khi nào đã dễ dàng hơn rất nhiều, không cần những cuộc gọi tốn phí cao hay những bức thư tay phải chờ cả nửa tháng ba tuần mới đến tay người nhận. Giờ đây, chỉ cần chiếc smartphone được kết nối với wifi hoặc 4G là những người xa nhau về khoảng cách địa lý đã hoàn toàn có thể xích lại gần nhau hơn.
Từ khi công nghệ xuất hiện, cuộc sống của chúng ta đã thay đổi một cách chóng mặt. Chúng ta dễ dàng hơn ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm cùng nhau. Chuyện học hành cũng được hỗ trợ rất nhiều vì tài liệu có nhan nhản trên internet, chỉ cần một cú click và sẽ ra ngay tức khắc. Chuyện hẹn hò, chuyện du lịch, chuyện ăn uống hay tất cả các khía cạnh khác trong đời sống trong chúng ta ở thế kỷ 21 giờ đây là những câu chuyện hoàn toàn khác so với thế kỷ 20 rồi.
Nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi: Lần cuối cùng bạn cùng gia đình mình đi siêu thị cùng nhau là khi nào, bạn có còn nhớ?
Có Tiki, Lazada, Sendo và hàng trăm ngàn các kênh mua sắm trực tuyến khác, chúng ta đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian và công sức hơn việc mua sắm truyền thống. Thế nhưng, dạo quanh siêu thị cùng cha mẹ cũng không phải là lựa chọn tồi! Ngày bé, cứ mỗi lần vào siêu thị, tới quầy hàng đồ chơi là tôi chỉ muốn đứng đó thật lâu để có thể thoả thích ngắm nhìn chúng, ao ước một ngày mình sẽ được sở hữu một cô búp bê Barbie trong những cô Barbie xinh xắn đó. Bây giờ, dù đã dư sức để mua được nhiều cô barbie từ các kênh mua sắm online, nhưng tôi tin cũng không thể nào sánh bằng cảm giác của ngày xưa đó.
Điều quan trọng không hẳn là tôi có được con búp bê barbie hay không. Đó chính là cảm giác hào hứng khi được bước ra thế giới rộng lớn bên ngoài căn nhà của mình, được nhõng nhẽo, làm nũng và vòi vĩnh với cha mẹ; đó là cảm giác hạnh phúc khi tận mắt nhìn từng đường cong, lớp vải lấp lánh trên người cô búp bê, là khi được cha mẹ chấp thuận cho "tậu" một em về . Những cảm giác đó, đâu phải cứ mua đồ trực tuyến hay chơi game online là sẽ có được.
Bao kỷ niệm đáng giá gắn liền với thế hệ 8X, 9X đời đầu, bạn còn nhớ không?
Giờ ngẫm lại thì thấy mình vẫn còn may mắn vì đã từng có nhiều trò chơi "sành điệu" và bao kỷ niệm đáng giá gắn liền với tuổi thơ. Giờ đây, thế hệ 10X và chúng ta có nhiều sự lựa chọn để giải trí hơn – Boom Online, Thục Sơn Online, PUBG, Tam Quốc Diễn Nghĩa cùng hàng trăm ngàn các loại game online khác. Thế nhưng, trò như đập hình, tạt lon, quay kẹo kéo, chơi đồ hàng, chơi nhảy dây, bắn bi, hay đá cầu chắc có lẽ vẫn đem lại cho ta nhiều cảm xúc vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc nhất.
Khác với lứa 10X bây giờ, chỉ cần chiếc smartphone hoặc ipad riêng là đã có thể chat chit cùng nhau "trong giờ học". Hồi đó, khi công nghệ chưa hiện đại và phổ biến như ngày nay, để "buôn chuyện" cùng đám bạn cùng lớp, những đứa trẻ 8X và 9X đời đầu phải liên lạc qua những bức thư tay. Nói là thư tay nhưng chính là những mảnh giấy xé nhỏ từ trang tập học sinh, được chuyền từ tay người nay qua người khác mới đến tay người nhận.
Lại còn trò ghi "lưu bút", "tự bạch" – để có một quyển lưu bút hay tự bạch để đời và nổi bật nhất đám, tôi đã chạy khắp nơi để tìm kiếm mua những cây bút màu, bút kim tuyến, hí hoáy tô tô, vẽ vẽ, rồi dán các sticker con con vào quyển sổ. Giờ thì chắc mấy đứa em, đứa cháu 10X cũng đâu cần nữa đến những quyển sổ này, giờ thì các em ấy đã có Facebook là trợ thủ đắc lực trong việc lưu giữ kỷ niệm rồi.
Nếu được lựa chọn giữa việc "ở nhà lướt Facebook, lướt web" và "ra ngoài gặp bạn bè" thì bạn sẽ chọn phương án nào?
Dù lựa chọn phương án nào chăng nữa thì tôi tin rằng chiếc điện thoại luôn là vật bất ly thân của bạn. Những khi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, có được bao nhiêu người đặt chiếc điện thoại xuống bàn mà nói chuyện, chia sẻ cùng nhau? Chúng ta ngồi cạnh nhau, mỗi người một cái điện thoại, mắt đăm đăm vào màn hình, cười một mình, tay thì cứ mải mê thả những creation. Có bao nhiêu câu chuyện mà chúng ta đã dành cho nhau trong buổi cà phê hôm đó? Có ai nhớ được không gian quán đó như thế nào không, mùi hương, màu sắc, vị nước hôm đó? Hay chúng ta mải mê chìm đắm vào không gian ảo của mình mà quên mất thực tại?
Một cuộc nói chuyện trọn vẹn mà không hề bị quấy rối bởi những âm thanh "ping ping" của chiếc smartphone thật khó hơn cả việc "hái sao trên trời". Gạt bỏ điện thoại qua một bên, mặt đối mặt, ánh mắt nhìn nhau, bạn hiểu biểu cảm trên gương mặt của người đối diện đang muốn nói điều gì – đã bao giờ có chuyện đó diễn ra hay chưa?
Sức khoẻ chúng ta có đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ hay không?
Công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều trong công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, chỉ giới văn phòng mới hiểu được cảm giác mệt đừ người sau một ngày 8 tiếng, thậm chí hơn để "dán mắt" vào màn hình laptop. Khô mắt, mỏi mắt và bị giảm thị lực, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng thần kinh giờ đây đã trở thành căn bệnh phổ biến cho những người sử dụng công nghệ "quá liều".
Đã từng có một khoảng thời gian, lưng tôi cứ không ngừng mỏi vì ngồi trên màn hình vi tính quá lâu, ngón tay cái và ngón tay trỏ cũng cứ "ê ê" mà không rõ chính xác là đang bị gì. Giật mình, may là tôi đã kịp tiết giảm tần suất sử dụng điện thoại cũng như tích cực hơn trong việc tập yoga để cải thiện sức khoẻ của mình.
"Cái gì quá cũng không tốt", và sử dụng công nghệ cũng vậy
Khoảng cách giữa việc "tận dụng" và "lạm dụng" đôi khi cũng chỉ cách nhau bởi lằn ranh giới mỏng manh. Nhân lúc vẫn còn cơ hội, hãy mau điều chỉnh. Đừng tự khiến bản thân mình trở nên ngu dốt, yếu ớt, mất đi sự tự do vì những thiết bị công nghệ. Vì hơn hết, tình cảm gia đình, những mối quan hệ "thật" và sự kết nối với thiên nhiên mới chính là những gì đem lại cho bạn niềm hạnh phúc đích thực.
(Barcode)