"Anh muốn đầu tư đổi cổ phần nhỏ hay muốn "nuốt" luôn startup?"
Nếu như Shark Tank Việt Nam mùa 1 kết thúc với tỷ lệ cổ phần hoán đổi của các "cá mập" chỉ từ 20% - 51%, thì sang mùa 2, mức cổ phần hoán đổi của các "cá mập" ngồi ghế nóng đã lên tới 80%.
Những thương vụ đầu tư đổi lại tỷ lệ cổ phần khá lớn có thể kể đến nhà hàng chay Pema do Shark Nguyễn Ngọc Thuỷ - Chủ tịch HĐQT kiêm Người sáng lập Egroup - đầu tư. Mức cam kết đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần trên truyền hình của Shark Thủy khiến cộng đồng mạng đưa ra nhận định startup này đang nhận đầu tư hay đang bán công ty.
Một trường hợp khác là Shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Intracom Group - cam kết đầu tư vào Nhiêt Mặt trời 1 triệu USD, với mức đầu tư ban đầu là 5 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần.
Tỷ lệ cổ phần hoán đổi khá cao này đã khiến một khán giả thắc mắc tại một sự kiện của Shark Tank Việt Nam tổ chức ở Hà Nội rằng: "Shark Tank Việt Nam là chương trình hỗ trợ startup, vì sao có thương vụ đầu tư "cá mập" đòi đổi tới 80% cổ phần? Những deal đấy nếu các startup muốn mua lại cổ phần từ các Sharks, các Sharks có sẵn sàng bán lại?".
Câu hỏi này được "bà trùm Shark Tank Việt Nam" Lê Hạnh chuyển tới các cá mập với phần tóm lược khá gọn - "Anh muốn đầu tư đổi cổ phần nhỏ hay muốn "nuốt" luôn startup?"
Khi các bạn trót định giá sai rồi, nhà đầu tư chỉ có thể đầu tư số tiền này tương đương là phải tỷ lệ ấy. Thậm chí, tỷ lệ ấy cũng đã là tỷ lệ nhỏ, chẳng lẽ chúng tôi lại mua với 200% cổ phần doanh nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, "tân cá mập khách mời" Shark Tank Việt Nam mùa 3 Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo - cười nói: "Những nhà đầu tư như tôi và anh Phú (Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse - PV) đều có một tập đoàn ở sau lưng, đã có đủ thứ, không nhất thiết phải vào một doanh nghiệp nhỏ để giành lấy quyền điều hành. Rất vất vả! Chẳng qua chúng tôi muốn hỗ trợ phần vốn nhiều hơn để cho doanh nghiệp đó phát triển".
"Còn với một khoản đầu tư, các bạn hoàn lại vốn, mua lại cổ phần từ chúng tôi thì tức là khoản đầu tư của chúng tôi đã thành công rồi".
Công ty của các bạn chẳng có gì để chúng tôi "nuốt" cả! Chính việc ảo tưởng về định giá công ty khi gọi vốn buộc các "cá mập" phải tăng tỷ lệ sở hữu
Shark Thủy - "nam chính" của những deal rót vốn với tỷ lệ sở hữu cổ phần khá lớn trên Shark Tank Việt Nam - đề cập câu chuyện này từ một vấn đề của chính các startup - ĐỊNH GIÁ khi gọi vốn trên Shark Tank.
"Không nhà đầu tư nào muốn nắm giữ cổ phần quá nhiều để "nuốt" công ty, công ty ấy chẳng có gì để "nuốt" cả. Việc xảy ra tình trạng tỷ lệ cổ phần chiếm nhiều do quy định của chương trình Shark Tank là không được giảm số tiền đầu tư", Shark Thủy cho biết.
[Xem thêm: Bí mật của Shark Tank Việt Nam: Phải tính nhẩm, không được dùng smartphone hay máy tính, ra quyết định đầu tư trong 1 tiếng, bắt buộc mỗi Shark phải xuống tiền tối thiểu 5 tỷ đồng]
Luật của Shark Tank trên toàn thế giới, không chỉ Shark Tank Việt Nam, là đảm bảo cho Startup có được số tiền mà họ cần cho hoạt động kinh doanh của họ. Tức là, các Shark sẽ không được trả giá xuống thấp hơn số tiền yêu cầu, nên Startup phải tính kỹ số tiền mình thực sự cần và định giá đúng.
Ngược lại, các Shark có thể đưa ra lý do Startup định giá không đúng nên Shark có quyền đòi số cổ phần cao hơn.
"Phần lớn dự án bị rơi vào tình trạng đấy (tỷ lệ cổ phần hoán đổi cao - PV) là do các bạn ảo tưởng về định giá doanh nghiệp của mình. Nếu tôi rất thích dự án này, mà các bạn đã trót định giá sai rồi, đương nhiên các nhà đầu tư không thể trả một cái giá quá đắt được, mà với số tiền này tương đương là phải tỷ lệ ấy. Thậm chí, tỷ lệ ấy cũng đã là tỷ lệ nhỏ, chẳng lẽ chúng tôi lại mua với 200% cổ phần doanh nghiệp?", Shark Thủy nói.
"Cho nên tôi có lời khuyên cho các bạn khởi nghiệp là: Phải có kỹ năng định giá và kiểm soát kỳ vọng của mình. Phần đa tình trạng yêu cầu cổ phần hoán đổi cao không đến từ mong muốn của các nhà đầu tư, mà đến từ định giá sai của các bạn khởi nghiệp".