Gần đây, một người bạn phàn nàn với tôi. Anh ta nói rằng anh ta đã làm việc 5 năm ở công ty mà vẫn không bằng một đồng nghiệp mới, nhỏ hơn anh ta một tuổi. Cậu đồng nghiệp kia chỉ mới vào làm chưa lâu đã được thăng chức và có mức lương còn cao hơn anh ta.
Nghe nói như vậy, tôi cũng thấy tò mò, đây là vì sao?
Tôi hỏi anh ta: "Có phải cậu kia bất ngờ được thăng chức không?"
Bạn tôi trả lời: "Không phải, cậu ta mới bắt đầu tham gia vào một dự án, vốn dĩ lúc đầu dự án còn cần chờ đầu tư thêm. Nhưng vào lúc quan trọng nhất, khi dự án bị đóng băng, cậu ta đã vận động mối quan hệ quen biết ở công ty cũ để hoàn thành nó. Vì điều này mà ông chủ đã để ý tới cậu ta.
Tôi mỉm cười nói: "OK, may là cậu không nói dối, hơn nữa còn biết phân tích nó một cách khách quan. Có rất nhiều người chỉ biết phàn nàn rằng người khác luôn may mắn hơn mình. Trách ông trời không có mắt, nhưng chưa hề nhìn lại người ta đã cố gắng thế nào, có năng lực ra sao?"
Vậy tại sao người khác chỉ mới vào làm một năm đã đạt được mức lương mà bạn phải làm việc 10 năm mới có được?
Đầu tiên, năng lực giải quyết vấn đề một cách chủ động, dám nói: Tôi sẽ giải quyết!
Mùa hè năm ngoái, trong công ty tôi có hai nhân viên mới vào làm trong phòng Nhân sự, thông thường thì phòng Nhân sự sẽ đảm nhận trách nhiệm tuyển người và lo luôn cả các thiết bị vật chất trong công ty.
Trong hai tháng thử việc, giám đốc nhân sự từng giao nhiệm vụ cho một trong hai người mới kia kiểm tra lại thiết bị trong công ty.
Nhưng ba ngày sau đến khi chúng tôi làm việc, giấy A4 bị thiếu, máy điều hòa trong phòng IT thì bị hỏng, đồ dùng văn phòng cũng thiếu rất nhiều.
Có một số người nóng tính, thêm máy điều hòa hư nữa, khiến họ trở nên nóng nảy hơn, nên đã đi phàn nàn với giám đốc nhân sự.
Khi nghe được những lời này, anh giám đốc nhân sự đã rất bực mình: "Khi tôi ủy quyền cho bạn, nghĩa là việc đó đã thuộc trách nhiệm của bạn. Chẳng lẽ bạn còn chờ tôi bỏ công việc của mình để nhúng tay vào kêu thợ sửa máy sao? Vậy công ty trả lương cho bạn làm gì?"
Không khí lúc đó thật sự rất căng thẳng, cũng may người mới còn lại đã nhanh trí giải quyết mọi việc. Khi cô ấy vừa nghe được việc mọi người đang phàn nàn với giám đốc, cô ấy đã vội đi kiểm tra lại thiết bị một lần nữa, sau đó gọi điện cho thợ đến sửa máy điều hòa, cùng lúc đó cũng gọi điện cho hiệu sách quen gần đó nhờ ship đồ văn phòng phẩm qua gấp.
Bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng thích những người biết chủ động giải quyết vấn đề thay vì chờ đợi nó. Thế nên người mới còn lại kia không những không so đo đó không phải việc của mình, mà còn chủ động hoàn thành nó một cách xuất sắc.
Thứ hai: Xem xét vấn đề toàn diện hơn và giải quyết vấn đề triệt để hơn
Có hai người làm cùng bộ phận với nhau, hai người đều là trợ lý và đều đang mong chờ cơ hội được thăng chức, giám đốc dặn dò họ chuẩn bị những thứ cần thiết cho buổi họp ngày mai.
Một người thì tranh thủ về sớm để chuẩn bị thật tốt bài thuyết trình của mình, bởi vì cô ấy muốn gây ấn tượng với giám đốc ngày mai về nội dung bài thuyết trình mình đã bỏ công soạn ra và luyện tập. Bạn thấy cô ấy rất tốt. Phải, tôi không phủ nhận.
Nhưng người còn lại biết suy nghĩ xa hơn nhiều. Cô ấy không về sớm mà trái lại còn tranh thủ thời gian ở lại văn phòng làm việc. Giám đốc thấy vậy hỏi: "Tại sao cô còn chưa nghỉ, đã tan làm từ lâu rồi mà?"
Cô ấy trả lời: "Tôi đã đánh máy lại tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của dự án mà giám đốc đã nói lúc sáng với chúng tôi, sau đó in chúng ra. Ngày mai tôi sẽ phát cho đồng nghiệp mỗi người một bản, như vậy ngày mai mọi người đều có thể căn cứ theo đó mà đưa ra những ý tưởng tốt nhất cho công ty rồi."
Cũng nhờ lần đó, giám đốc đã nhìn cô bằng một đôi mắt khác. Sau này, người được thăng chức cũng chính là cô.
Làm việc công sở, không phải lúc nào cũng chăm chăm suy nghĩ có lợi cho bản thân là tốt. Đôi lúc, cần nên có tư duy rộng lớn và bao dung, giống như cô gái kia, người ta nhìn vào thấy cô ấy biết nghĩ và giúp mọi người, nhưng trên thực tế, người được lợi lớn nhất chính là công ty.
Thứ ba: Không phải lúc nào sếp kêu làm "một" là bạn chỉ làm "một", đôi lúc phải linh hoạt suy nghĩ, tự hoàn thành cả "một, hai, ba"
Để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện về ông chủ bảo nhân viên đi mua khoai tây nhé.
Một ông chủ bảo anh nhân viên A đi ra chợ xem có bán khoai tây không?
Anh A vui vẻ chạy thật nhanh đi và về đáp: "Ông chủ, ngoài chợ có bán khoai tây."
Ông chủ hỏi: "Vậy bao nhiêu một ký?"
Anh A đáp: "Cái đó ông chủ không dặn nên tôi không hỏi, ông chủ chờ tý, tôi chạy một vòng hỏi sẽ về ngay ạ."
Sau khi về anh A đáp: "20.000 VND/ kg ạ. Ông chủ muốn mua không?"
Ông chủ lại hỏi tiếp: "Vậy đó là khoai Việt Nam trồng hay nhập khẩu nước ngoài thế?"
Cứ thế, anh A phải chạy đi chạy lại mấy lần để hỏi thông tin.
Cũng cùng câu hỏi: "Ra chợ xem có bán khoai tây không?" Nhưng đáp án của anh B thì hoàn toàn ngược lại. Tuy thời gian anh B đi lâu hơn anh A một chút, nhưng thông tin anh B đem về lại rất đầy đủ:
"Ngoài chợ có hai giá bán khoai. Bán lẻ thì 20.000 VND/kg, bán sỉ thì 14.000 VND/kg, chủ yếu là khoai tây trong nước. Khoai tây được chuyển từ đồng bằng sông Hồng và Đà Lạt về thì nhìn có vẻ ngon hơn một chút. Tôi có đem mỗi loại một ít về, ông chủ có muốn xem qua không?"
Đây chính là sự khác biệt giữa anh A và anh B.
Có lẽ bạn nghĩ ông chủ "khá khó chiều" khi không chịu hỏi hết một lần, mà sai anh A đi mấy lần. Nhưng bạn nên biết, ông chủ đang "thử" nhân viên của mình, xem anh A có đủ tố chất đảm đương chức vị cao hơn không.
Một người có năng lực, sẽ không chỉ dừng lại ở việc "được yêu cầu", mà thay vào đó là "tự tìm hiểu, tự đi, tự bơi." Và đây cũng chính là mẫu người mà những người làm chủ thường muốn tuyển dụng.
Vì vậy, đừng cứ mãi nói tôi đã làm việc chăm chỉ thế nào, siêng năng ra sao, mà vẫn không được trọng dụng. Đôi khi vấn đề không phải do nỗ lực, mà do suy nghĩ thôi.
Thứ tư: Phát triển nhanh, học tập không ngừng
Ngày trước, có một bài đăng tải thế này: "Khi tôi mới tốt nghiệp, mức lương của tôi là 5 triệu, sau 1 năm, mức lương từ 5 triệu tăng lên gấp 3 lần, thành 15 triệu."
Sau đó, người đăng bài này có giải thích lý do, bởi vì ngành học của anh ta thực sự không có gì hot, nên ra trường mức lương cũng chỉ tàng tàng. Nhưng anh ta vẫn cố gắng vừa làm việc và học hỏi, anh ấy đã thi thêm bằng HSK và IELTS, sau đó nhờ kinh nghiệm tích lũy được, anh ta nhanh chóng được thăng chức, tăng lương nhanh chóng.
Đó là khoảng cách.
Có một số người, dùng kinh nghiệm làm việc 10 năm ở một lĩnh vực duy nhất để giải quyết mọi thứ mà không hề muốn học hỏi thêm những thứ khác.
Nhưng bạn nên biết: Trong thời đại công nghệ phát triển này, chỉ có một thứ duy nhất không thay đổi, chính là "sự thay đổi", còn lại tất cả mọi thứ đều sẽ thay đổi.
Cách làm hôm nay chưa chắc gì đã phù hợp cho ngày mai. Thứ chúng ta cần, là học hỏi, tìm tòi, là nghiên cứu, tiến bộ, là nâng cấp không chỉ máy móc mà cả chính mình.
Hi vọng mọi người có thể học hỏi được nhiều điều hay và tìm ra lối đi phù hợp cho mình trong cuộc sống!