1. Làm những điều nhỏ bé bằng niềm đam mê vĩ đại
Người Nhật làm cái gì cũng đến tận cùng chứ không thích qua loa. Khi cắm hoa, họ nâng lên thành nghệ thuật cắm hoa ikebana. Khi uống trà, họ nâng lên thành văn hoá trà đạo. Người ta không đánh giá khối lượng công việc lớn hay nhỏ, mà họ quan trọng cách mình hoàn thành, tình yêu mình dành cho công việc đó.
Có một chuyện vui mà chắc là nhiều người tò mò rằng, đã không làm thì thôi, người Nhật mà làm thì chỉ có đỉnh, kể cả tình dục. Nước Nhật có một nền công nghiệp tình dục có thể gọi là hàng đầu thế giới. Các ngôi sao phim người lớn thu nhập cao như trong mơ mà nguồn thu chính đến từ thị trường Nhật. Người Nhật có thói quen "ăn bánh trả tiền" tức là luôn trả tiền khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm chứ không thích dùng miễn phí.
Trung tâm Tokyo có khu đèn đỏ Kabukicho dành cho dân dị tính và khu phố gay ở 2-chome Shinjuku dành cho dân đồng tính. Dịch vụ ở đây rất rõ ràng. Ý "rõ ràng" là ở đa số họ không tiếp khách chưa có đặt chỗ trước. Để đặt chỗ, khách hàng sẽ lên website chọn dịch vụ, chọn nhân viên. Mỗi nhân viên có hình và thời gian available trong cả tuần. Khách hàng có nhu cầu gì đặc biệt thì có thể ghi chú, có cả lựa chọn "happy ending" hay không nữa. Mọi thứ rất rõ ràng, không úp mở, không treo đầu dê bán thịt chó.
Đặt chỗ xong thì cứ ngày đó, giờ đó mà tới...
Còn hàng trăm câu chuyện nhỏ khác, để thấy người Nhật rất tỉ mỉ, chăm chút cho từng việc nhỏ bé, bởi đằng sau mỗi việc nhỏ ấy là niềm đam mê vĩ đại, tâm sức tận cùng của họ.
Khi bạn có đam mê và tình yêu, bạn chạm vào bất cứ ai, họ cũng trở nên vĩ đại.
(Ảnh: NAG Tâm Bùi)
2. Tu tâm dưỡng tính bằng cách lau dọn nhà cửa mỗi ngày
Đi tới Nhật, điều làm tôi thấy lạ lùng nhất là ở đâu cũng sạch quá trời quá đất, đường phố, nhà cửa không có một hột bụi. Và sạch nhất trong nhà là cái toilet.
Tìm hiểu thêm thì mới biết, trong thiền tông Nhật Bản, các nhà sư tu tập bằng cách quét dọn nhà cửa mỗi ngày. Cứ sáng sớm là đã thấy các sư bắt đầu quét dọn, lau chùi. Mà họ cầm giẻ lau sàn bằng tay chứ không dùng cây lau nhà 360 độ như mình đâu. Vì nếu ai có lau nhà rồi thì sẽ biết là lau nhà bằng tay sạch hơn khi dùng cây lau nhà, tuy tốn nhiều thời gian hơn, nhưng nó có cảm giác lau hơn. Bàn tay ta được chạm vào miếng vải, chạm vào sàn nhà, mắt ta thấy được rõ vết bẩn, ta có cơ hội chăm chút, nâng niu sàn nhà hơn. Tình yêu công việc nó nằm ở đó chứ không phải là để lau nhanh cho xong rồi làm việc khác.
Toilet tưởng là bẩn nhất nhưng lại là nơi sạch nhất trong một ngôi nhà Nhật. Có chỗ còn có thể ngủ được (trong các ngôi đền). Ở trong một ngôi nhà sạch sẻ, tâm trí ta cũng được quét dọn, không phải rối bời trong đống rác dơ bẩn, mà nhất là cảm giác tội lỗi với bản thân khi thấy dơ mà không dọn. Đó mới là thứ đáng sợ nhất.
Bởi người ta mới nói, "dọn nhà dọn cửa, gột rửa trái tim".
'Thánh nữ dọn nhà' Marie Kondo
3. Giảm thiểu nhu cầu để sống nhiều hơn
Nổi tiếng trong lĩnh vực này chính là cô gái Marie Kondo (quyển sách của cô được xuất bản ở Việt Nam mà rất nhiều người thích đọc có tên "Nghệ thuật bài trí của người Nhật".
Đa số người Nhật hiện đại thích cuộc sống tối giản, ít vật dụng. Bỏ bớt đồ đạc giúp họ rũ bớt gánh nặng là phải bảo quản nó, chăm sóc nó, sắp xếp và nhớ đến sự tồn tại của nó. Khi ta bỏ được hết đi những gì không thật sự cần thiết, căn nhà và tâm hồn ta có thêm không gian để tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Cách thiết kế nhà cửa thông minh để tận dụng tối đa không gian sống. Bước vào một ngôi nhà ở Tokyo thường rất nhỏ (vì đất đắt đỏ) nhưng sẽ luôn đảm bảo tiện nghi.
Các thương hiệu Nhật luôn đi đầu trong thiết kế tối giản nhưng đảm bảo ưu tiên sự thoải mái khi sử dụng. Lý do mà Apple thành công hơn Samsung và cả Sony ở thị trường Nhật chính là do Apple chọn triết lý tối giản vào thiết kế sản phẩm cũng như các hệ điều hành, tối ưu sự thoải mái cho người dùng, đánh đúng tâm lý của người Nhật thích tối giản.
Và có một điều cần lưu ý, lối sống tối giản không phải là mục đích để ta hướng đến, mà mục đích chính là Sống thoải mái. Nếu bạn chọn tối giản là mục đích sống, đôi khi bạn sẽ rơi vào cái bẫy của sự hành xác, nó còn khổ sở hơn nhiều so với lúc sống trong một căn phòng đầy rác.
Nhịp thư giãn thảnh thơi, yên bình của người Nhật (Ảnh: NAG Tâm Bùi)
4. Tôn trọng tự do cá nhân của người khác
Có lần qua Tokyo, mình thấy các bạn nam Tây cosplay thành thuỷ thủ mặt trăng, mặc váy đội tóc giả đi rất vui ngoài đường. Rồi dạo nọ có 1 anh người Nhật nổi tiếng trên mạng XH, mặt đầy râu nhưng mặc váy thuỷ thủ chụp ảnh tung tăng rất thần thái. Xã hội Nhật tôn trọng tự do cá nhân của người khác, đôi khi đến mức cực đoan. Nếu mình không quen, cứ tưởng đây là một xã hội lạnh lùng, băng giá, thiếu tình người. Nhưng thực ra không phải, họ tôn trọng quyền riêng tư của bạn nên dù bạn có mặc gì ra đường cũng không ai dòm ngó, miễn đừng nude là được.
Tôn trọng tự do cá nhân còn thể hiện đối với nguời già hoặc phụ nữ. Khi đi tàu điện, nếu đó không phải là ghế ưu tiên cho người già thì bạn không cần phải nhường ghế cho họ vì người già ở Nhật có lòng tự trọng rất cao. Họ muốn được đối xử bình đẳng như những người khoẻ mạnh khác. Ngay cả phụ nữ cũng vậy. Nhường ghế chẳng khác nào mình coi thường sức khoẻ của họ. Mà thật sự người già ở Nhật tuy chậm hơn người trẻ nhưng sức khoẻ vẫn rất tốt. Mình ra đường toàn gặp ông bà già 80-90 tuổi dắt chó đi dạo thôi.
Với mình, Nhật không còn đơn giản là một quốc gia, mà đã trở thành một thương hiệu. Người Nhật, nhà Nhật, sản phẩm Nhật... cứ hễ nói tới Nhật là an tâm. Người ta sống sao mà xây dựng được uy tín nhiều đến vậy, thật đáng khâm phục.