Chiều ngày 14/5, theo giờ địa phương, sau khi phát biểu tại Đại học Harvard, TP Cambridge, bang Massachusetts, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam đã dự tọa đàm chính sách với Giáo sư, sinh viên trường này về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Tại buổi làm việc, Người đứng đầu Chính phủ cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD) (trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động).
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực,...
GS. Kinh tế David Dapice đánh giá việc tham gia những hiệp định thương mại quốc tế là một thành công của Việt Nam. Hàng triệu người lao động nông nghiệp đã vào nhà máy. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất nhập của Việt Nam.
"Cần phát triển đầu vào trong nước, đa dạng hóa nguồn phục vụ xuất khẩu", ông nói. Theo Giáo sư, nền quản trị cũng nên kích hoạt phản ứng nhanh nhạy, còn nền kinh tế số đòi hỏi đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, giao thương với nước ngoài, hợp tác đào tạo giáo dục.
Thu hút FDI ngày càng khó hơn. Hãy làm sao cho năng lượng tái tạo hiện hữu, tạo lợi thế cạnh tranh so với ASEAN", GS. David Dapice gợi ý và nói thêm rằng, muốn trở thành nên kinh tế đáng tin cậy, phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh cho Việt Nam.
Đặc thù của Việt Nam là có nhiều tỉnh thành ở khu vực xa, không có cơ sở hạ tầng thuận lợi nên rất khó để tiếp cận, thu hút FDI. Do đó, GS. David Dapice đề nghị Việt Nam sử dụng những thử nghiệm mới về thuế bất động sản, cho phép địa phương sử dụng thuế bất động sản để đầu tư mà không dùng ngân sách quốc gia.
Tại Tọa đàm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều thách thức. NHNN phải tăng cường phân tích dự báo để đưa ra chính sách đồng bộ, phù hợp thực tiễn; Việt Nam kiên quyết không dùng chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại.
"Với sự kiên định đó, nhiều năm kết quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam rất ấn tượng, đi đôi với tốc độ tăng trưởng khá cao. Thị trường ngoại hối ổn định là điểm sáng để Việt Nam nâng cao vị trí trong xếp hạng tín nhiệm", bà Hồng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, năm 2019 ông dẫn đầu đoàn nghiên cứu chiến lược phát triển đất nước đến Harvard lắng nghe ý kiến chuyên gia. Đoàn sau đó đã nghiên cứu và triển khai một số nội dung phát triển bền vững trong các chính sách.
"Việt Nam thấy rằng phát triển nhanh và bền vững phải dựa trên động lực mới. Ngoài thể chế, hạ tầng, phải bổ sung hai động lực mới trong ba đột phá là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp gỡ, lãnh đạo Trường Harvard Kennedy cũng cho biết đang hợp tác cùng tập đoàn Sovico xây dựng và tài trợ chương trình Sáng kiến Chính sách Khí hậu Việt Nam. Chương trình này sẽ tập trung vào nghiên cứu và đào tạo về khả năng phục hồi của các thành phố ở Việt Nam trước tình trạng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.