Trước đó, trong phần trình bày về tình hình kinh doanh năm 2021, Tổng Giám đốc NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - ông Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank là ngân hàng trích lập dự phòng lớn nhất về số tuyệt đối. Trích lập dự phòng của hệ thống là hơn 19.000 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ là hơn 7.800 tỷ đồng.
Năm 2021, trước tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh Covid, VPBank đã chú trọng đến việc kiểm soát tín dụng với danh mục cho vay, dịch chuyển theo hướng có chọn lọc. Việc giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực cấu trúc nợ, xử lý nợ giúp kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,65%.
Phía ngân hàng mẹ đã có sự cải tiến tích cực khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,98% năm 2020 xuống còn 1,51% vào cuối năm 2021. Song song với những nỗ lực kiểm soát nợ xấu, năm 2021, VPBank tiếp tục chủ động gia tăng nguồn lực dự phòng. Chi phí dự phòng của năm 2021 tăng 31% so với năm trước ở ngân hàng hợp nhất và 52,9% so với cùng kỳ ở ngân hàng riêng lẻ.
Điều này cho thấy mức độ thận trọng của Ngân hàng khi sẵn sàng với bộ đệm dự phòng để ứng phó với rủi ro bất chợt từ tác động của dịch bệnh.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Vpbank
Tổng Giám đốc VPBank cũng chia sẻ thêm về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đâu đó, cổ đông thấy có tổ chức tín dụng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến hơn 200% nhưng điều đó không có nghĩa là ngân hàng có 1 đồng nợ xấu thì có 2 đồng chi phí dự phòng.
Mặc dù có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn khi được so sánh trong hệ thống ngân hàng nhưng VPBank đã trích lập đủ và tuân thủ đúng quy định về chi phí dự phòng. Đây là 1 loại chi phí được hướng dẫn quy định cụ thể trong văn bản pháp luật, nhà băng muốn trích nhiều hơn cũng không được vì còn liên quan đến cơ quan Thuế và số thuế TNDN phải nộp trong kỳ.
Mỗi tổ chức tín dụng có cấu trúc dư nợ và mô hình dư nợ khác nhau, đa phần các nhà băng cho vay có tài sản bảo đảm, phải xem xét giá trị TSBĐ và tỷ lệ cho vay/TSBĐ, chưa chắc khoản nợ nhóm 5 có tài sản bảo đảm tốt đã phải trích lập dự phòng nhiều.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tên tiếng Anh là Non-performing loan ratio, được sử dụng với mục đích đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước tiềm tàng rủi ro liên quan đến nợ xấu. Nó được tính bằng Tổng chi phí dự phòng trích trong kỳ/ Số dư nợ xấu.
Nhiều chuyên viên phân tích hoặc nhà đầu tư thường dùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để đánh giá khả năng phòng vệ của ngân hàng trước những rủi ro có liên quan tới nợ xấu.
Quy định của pháp luật liên quan về chi phí dự phòng trong Ngân hàng hiện nay được quy định trong Thông tư 11/11/2021/TT-NHNN - Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, có 2 điểm thường bị mọi người "hiểu lầm" khi nghĩ đến chi phí dự phòng của các nhà băng.
Thứ nhất, không phải chỉ những khoản vay có vấn đề mới trích lập dự phòng
Dự phòng rủi ro là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự phòng rủi ro gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung.
Theo quy định, tất cả các khoản cho vay khi giải ngân mới đều phải trích lập dự phòng chung, điều 13, Thông tư 11 quy định về "Mức trích lập dự phòng chung" như sau:
Số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ các khoản sau đây:
(i) Tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở nước ngoài.
(ii) Khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
(iii) Khoản mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.
(iiii) Khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 1 Thông tư này.
Trong cách tính tỷ lệ bao phủ nợ xấu chi phí dự phòng của ngân hàng bao gồm cả chi phí dự phòng chung vì vậy vô hình trung những nhà băng có dư nợ tín dụng lớn và tỷ lệ nợ xấu thấp mặc nhiên sẽ có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn hơn.
Thứ hai, không phải khoản vay có nhóm nợ càng cao (nợ càng xấu) thì chi phí trích lập dự phòng càng lớn.
Ngoài chi phí dự phòng chung, với mỗi khoản nợ được phân nhóm (từ nhóm 1 đến nhóm 5) sẽ được trích lập dự phòng cụ thể với tỷ lệ như sau: Nợ nhóm 1: 0%; Nợ nhóm 2: 5%; Nợ nhóm 3: 20%; Nợ nhóm 4: 50%; Nợ nhóm 5: 100%.
Như vậy nhiều người có thể sẽ cho rằng, với cùng 1 giá trị nợ quá hạn, nhóm nợ càng cao (nợ càng trễ hạn lâu) thì chi phí trích lập dự phòng cho khoản vay đó càng lớn. Sự hiểu lầm này không chỉ người ngoài ngành mà ngay cả nhiều nhân viên Ngân hàng cũng mắc phải.
Trên thực tế, chi phí dự phòng cụ thể phải trích ngoài nhóm nợ còn phụ thuộc rất lớn vào "cái phao" là tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản vay.
Nói đơn giản, chi phí dự phòng phải tính = Tỷ lệ (từ 0% đến 100% tùy nhóm nợ) x (Dư nợ gốc - Giá trị khấu trừ của TSBĐ), trong đó giá trị khấu trừ của TSBĐ chính là giá trị TSBĐ (theo định giá gần nhất) nhân với 1 tỷ lệ khấu trừ theo quy định.
Tỷ lệ khấu trừ của từng loại TSBĐ được quy định dựa theo tính chất, mức độ thanh khoản của TS được quy định trong mục 4, 5, 6 của điều 12 Thông tư 11.
Chẳng hạn, với BĐS tỷ lệ khấu trừ là 50%, nghĩa là 1 tài sản BĐS được định giá 6 tỷ thì giá trị khấu trừ của nó tương ứng sẽ là 3 tỷ đồng. Như vậy, nếu trên TSBĐ này ngân hàng chỉ cho vay nhỏ hơn hoặc bằng 3 tỷ đồng thì ngay cả khi khoản vay chuyển nợ nhóm 5, chi phí dự phòng cụ thể phải trích lập cũng chỉ bằng 0 đồng.
Chúng ta có thể xem xét ví dụ sau để hình dung cụ thể hơn
Ngân hàng có 2 khoản vay thế chấp BĐS đã chuyển sang nhóm 3 và 4, dư nợ 2 khoản vay đều là 10 tỷ đồng; TSBĐ 2 khoản vay lần lượt là 14 và 18 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng phải trích với khoản nợ nhóm 3 là: (10 tỷ - 14 tỷ x 50% (tỷ lệ khấu trừ với TSBĐ là BĐS)) x 20% = 600 triệu đồng
Chi phí dự phòng phải trích với khoản nợ nhóm 4 là : (10 tỷ - 18 tỷ x 50% (tỷ lệ khấu trừ với TSBĐ là BĐS)) x 50% = 500 triệu đồng
Các bạn thấy đấy, khoản vay quá hạn dài hơn (nhóm 4) có thể còn phải trích lập dự phòng ít hơn do tỷ lệ cho vay/TSBĐ thấp hơn. Rõ ràng, khi nhìn vào bức tranh chi phí dự phòng của một ngân hàng chỉ nhắc đến tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thì không đủ mà còn phải nhắc đến những yếu tố như Tài sản bảo đảm, tỷ lệ cho vay trên TSBĐ.
Việc so sánh tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các nhà băng chỉ mang ý nghĩa tương đối khi cơ cấu danh mục, chính sách cho vay, dư nợ.. của các nhà băng khác nhau. Thay vì quá tập trung vào chỉ số tương đối này, các cổ đông có thể nhìn vào con số tuyệt đối gắn với thực tế hoạt động của từng ngân hàng và yên tâm về việc Ngân hàng đã trích đúng, trích đủ chi phí dự phòng và luôn kiểm soát nợ xấu theo đúng định hướng, chỉ tiêu đã đề ra.