Nhắc đến nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, phần lớn mọi người đều biết đến bà với vị trí nhà sáng lập hãng hàng không VietJet Air. Tuy vậy tên tuổi bà Thảo còn gắn liền với một nhà băng tư nhân lâu đời là HDBank.
Năm 2022, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến tăng 18% lên 440.440 tỷ đồng. Tổng huy động và dư nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.680 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 1989, HDBank là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam với giá trị vốn hóa là 57.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD). Theo báo cáo phân tích mới đây của VnDirect, tổng tài sản của HDbank đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kép là 22% trong 10 năm qua, đạt 375.000 tỉ đồng vào cuối năm tài chính 2021, nằm trong top 10 ngân hàng thương mại lớn nhất tính theo giá trị tài sản. Nhà băng này hiện nắm giữ 2% thị phần tín dụng trong nước và 2,2% thị phần tiền gửi tính đến cuối năm 2021.
Về khả năng sinh lời, HDBank đã tăng trưởng nhanh chóng và thuộc top 5 các ngân hàng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất 2021 (ROA 1,9% và ROE 23,3%).
Đây là một ngân hàng bán lẻ điển hình tại Việt Nam với mô hình kinh doanh tập trung đặc biệt vào bán lẻ; các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tài chính tiêu dùng. Trên khắp cả nước, HDBank sở hữu 329 chi nhánh và phòng giao dịch, 22.306 điểm giao dịch tài chính tiêu dùng với đội ngũ nhân viên hơn 15.000 người. Khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lần lượt chiếm 43,0% và 47,4% tổng dư nợ cho vay của HDB.
Dù tần suất xuất hiện trên truyền thông của HDBank khá ít so với các nhà băng tư nhân khác như VPbank, Techcombank, TPbank,... nhưng nhà băng này vẫn gặt hái được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Chiến lược kinh doanh của nhà băng nơi tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm phó chủ tịch HĐQT là gì?
Chiến lược bán lẻ tại nông thôn
Do lĩnh vực ngân hàng bán lẻ đang còn nhiều dư địa để tăng trưởng, vì vậy hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang cố gắng đẩy mạnh phát triển thêm về lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ những ngân hàng có chiến lược phù hợp và lợi thế cạnh tranh rõ ràng mới có thể thành công.
Đối với HDBank, ban lãnh đạo cho rằng hiện nay các ngân hàng đều đã triển khai mô hình ngân hàng bán lẻ tại các thành phố lớn, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Khoảng 70% dân số Việt Nam tập trung ở khu vực nông thôn, nhưng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại ở những địa phương này còn rất hạn chế; trong khi đó, những người sống ở khu vực này cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng tương tự như dân cư ở các thành phố lớn.
Do đó, nhà băng này đã tích cực mở rộng mô hình ngân hàng bán lẻ đến các khu vực nông thôn. Cho đến nay, HDBank vẫn duy trì tỷ trọng hơn 50% danh mục cho vay đối với khách hàng nông thôn, trong đó Tây Nguyên (36% danh mục cho vay), Đông Nam Bộ (35%) và đồng bằng sông Mê Kông (23%) là các thị trường trọng điểm.
Xét theo cơ cấu cho vay theo lĩnh vực, cho vay nông nghiệp chiếm 27% tổng dư nợ cho vay bán lẻ vào cuối năm 2021, các khoản vay này được sử dụng để hỗ trợ đầu tư nông nghiệp vào các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi. Điều này phù hợp với chính sách của Chính phủ nhằm khuyến khích tăng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực chiếm hơn 70% dân số cả nước.
Từ năm 2018, HDBank bắt đầu tài trợ cho nhiều dự án xanh với chính sách tín dụng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất môi trường. HDBank cũng cung cấp các sản phẩm khác như cho vay kinh doanh, cho vay mua ô tô và cho vay tiêu dùng có bảo đảm.