PGS.TS Phạm Quang Thái - Ảnh: NVCC
Dự kiến công trình thắng giải sẽ được công bố và được trao thưởng vào tháng 5 này, nhân dịp Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Tôi rất thích quan điểm thích ứng với dịch mà Việt Nam áp dụng, tức là thích ứng với từng thời kỳ, giai đoạn, mỗi quyết định cho từng giai đoạn có giá trị ở thời điểm đó. Nếu lúc đó chúng ta cũng có quan điểm thả nổi thì, vào thời điểm dịch bùng mạnh, số tử vong sẽ gia tăng sớm hơn chứ không phải nửa cuối năm 2021 mới bùng mạnh.
PGS.TS Phạm Quang Thái
Khoa học giúp ứng phó lúc nguy nan
Ở thời điểm này, có thể tất cả chúng ta đều "quen" với căn bệnh COVID-19, bệnh do virus corona gây nên. Nhưng vào thời điểm đầu năm 2020, COVID-19 (ban đầu còn gọi là bệnh viêm phổi cấp do corona chủng mới) là nỗi lo sợ của nhiều người, "nhỡ đâu" mình bị mắc, rồi phải cách ly, truy vết... Chính trong những ngày đầu tiên ấy, nhóm của TS Thái bắt tay vào nghiên cứu.
"Điều quan trọng khi chống dịch là biết đặc tính lây lan của virus: đường lây như thế nào, triệu chứng của bệnh ra sao... Ở giai đoạn đầu chúng ta chỉ nghĩ rằng người mắc là có sốt mà chưa đủ thông tin là có người mắc không triệu chứng, nếu chỉ sàng lọc ca bệnh qua kiểm tra thân nhiệt như hồi đầu có khi "sổng" hết ca bệnh", TS Thái chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ.
Thời điểm đó COVID-19 là căn bệnh rất mới, thế giới cũng rất ít thông tin về bệnh, lý thuyết ban đầu đây là bệnh lây từ động vật sang người chứ khó lây từ người sang người.
Bắt tay vào nghiên cứu, với dữ liệu trên 200 ca bệnh ghi nhận trong 100 ngày đầu tiên COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, TS Thái và các đồng nghiệp rút ra được nhiều kết luận quan trọng: COVID-19 lây dễ dàng từ người sang người, lây từ khi F0 chưa có triệu chứng và hệ số lây nhiễm liên quan rất nhiều đến chiến lược chống dịch.
Ở Việt Nam khi đó áp dụng truy vết và cách ly từng ca, vì thế hệ số lây nhiễm chỉ hơn 1, trong khi thế giới từ 2,1 đến 6.
Nếu hệ số lây nhiễm dưới 1 thì dịch sẽ sớm kết thúc, hệ số bằng 1 thì dịch còn nhưng có thể "khoanh" được, còn hệ số càng lớn thì dịch càng lây. Thời điểm đó mỗi quốc gia có quan điểm chống dịch riêng, có nơi tuyên bố "sống chung với dịch" và thả nổi nên lây lan khá rộng.
Quan điểm này khiến số mắc gia tăng nhanh, một mặt tỉ lệ có miễn dịch tự nhiên cũng tăng nhanh, nhưng khi chưa có vắc xin, chưa có nhiều thuốc điều trị và nguồn lực hệ thống y tế còn điểm hạn chế thì khó có thể chống đỡ.
Không bỏ sót bất kỳ ca bệnh nào
Và để có những kết luận trong 100 ngày đầu tiên, TS Thái và cộng sự đã không bỏ sót bất kỳ ca bệnh nào trong 100 ngày này, thậm chí "truy ngược" để tìm "vết" như bắt đầu có triệu chứng khi nào, ngày xét nghiệm, lây cho những ai...
Hồi cứu rất nhiều để phân tích thông tin từng ca. Thực tế từ cuối tháng 4-2020, dịch đã yên ổn tới tận tháng 7 (đến khi dịch bùng tại Đà Nẵng), chứng tỏ chiến lược những ngày đầu tiên của Việt Nam là rất hợp lý.
Và nhân "cơ hội" đó, TS Thái và cộng sự đã hoàn tất nghiên cứu, gửi đăng trên tạp chí Clinical Infectious Diseases - tạp chí hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của thế giới. Đến ngày 2-6-2020 được duyệt đăng và ngày 27-8-2020 được đăng tải sau quá trình bình duyệt.
Nghiên cứu đã được sử dụng như một bằng chứng về kết quả chống dịch vào thời điểm đó tại Việt Nam, được trích dẫn nhiều lần trên các kênh truyền thông quốc tế. Những kết quả của nghiên cứu cũng đã được gửi từ trước đó đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, cung cấp bằng chứng và góp một tiếng nói cho việc hoạch định chính sách về phòng chống COVID-19 tại Việt Nam.
Những ngày này, khi trở lại vào thời điểm 100 ngày chống dịch đầu tiên, TS Thái nói kết quả nghiên cứu đã góp phần thay đổi chiến lược về sàng lọc ca bệnh tại sân bay, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với thế giới. "Kết quả về lây truyền không triệu chứng đã được Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ sử dụng để khuyến cáo các biện pháp kiểm soát dịch nói chung", TS Thái chia sẻ.
PGS.TS Phạm Quang Thái, 46 tuổi, là phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. TS Thái cũng đã tham gia Đội đáp ứng nhanh điều tra và đáp ứng với nhiều dịch bệnh trong cả nước từ năm 2000 đến nay. Từ tháng 3-2020, TS Thái tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia.
5 đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022
Bộ Khoa học và công nghệ đã công bố 5 đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 gồm ba đề cử chính: GS.TSKH Ngô Việt Trung - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu - Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM); TS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế).
Giải thưởng trẻ cũng gồm hai đề cử: TS Đoàn Lê Hoàng Tân - Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Đại học Quốc gia TP.HCM); TS Trần Tiến Anh - Trường đại học Hàng hải Việt Nam.