Theo bản công bố kết quả kinh doanh 2021 của CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) - đơn vị vận hành hàng loạt chuỗi nhà hàng nổi tiếng như lẩu Manwah, Cowboy’s Jacks, Sumo BBQ hay “quán nhậu” Vuvuzela, năm 2021 đánh dấu năm lỗ đầu tiên của tập đoàn kể từ 2008, với khoản lỗ 431 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu của Golden Gate đạt 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán thực phẩm và đồ uống đạt 3.304 tỷ đồng, chiếm 99,6% cơ cấu doanh thu công ty. Trong 4 năm trở lại đây, đây là khoản doanh thu thấp nhất của Golden Gate. Một phần lý do phải kể đến ảnh hưởng đại dịch COVID-19, khiến các cửa hàng của tập đoàn đóng cửa hàng loạt.
Khoản doanh thu này không đủ bù lại khoản chi phí 3704 tỷ của công ty dẫn đến khoản lỗ trước thuế lên đến 431 tỷ, so với mức lãi 64 tỷ cùng kỳ. Đáng chú ý, tuy tổng chi phí này đã giảm 12% so với 2020, trong cơ cấu chi phí của Golden Gate năm 2021, công ty vẫn phải chi đến 907,3 tỷ đồng cho nhân công (chiếm 24% tổng chi phí, 27,4% doanh thu), chi phí thuê và sửa mặt bằng ở mức 594,4 tỷ đồng (chiếm hơn 16% tổng chi phí, 17,9% doanh thu), trong đó, chi phí đầu tư xây dựng sửa chữa thậm chí còn tăng 7% từ 238 lên 255 tỷ đồng (chiếm 6,8% tổng chi phí). Tổng tỷ trọng của hai loại chi phí thuê mặt bằng và nhân công trên tổng chi phí của Golden Gate trong 4 năm gần đây liên tục giữ ở mức sấp sỉ từ 37% và trong năm nay đã lên đến 45%. Điều này đồng nghĩa, trung bình cứ 100 đồng thu về từ khách hàng đến ăn lẩu nướng, Golden Gate phải dành đến 45 đồng để trả cho nhân viên và duy trì mặt bằng. Không những vậy, trong năm nay, với mỗi 100 đồng nhận về từ khách hàng, Golden Gate lại phải chi ra đến 113 đồng, “biếu không” khách hàng 13 đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, Golden Gate có tổng tài sản 2.387 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục hàng tồn kho gần 650 tỷ, tăng hơn 50% và chiếm khoảng 27% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn, dư nợ vay ngắn hạn của Golden Gate hơn 529 tỷ đồng và vay dài hạn là 546 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay của Golden Gate chiếm khoảng 45% tổng nguồn vốn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ.
Từ cuối 2021 đến nay, nhiều lãnh đạo của công ty cũng đã bán dần cổ phần, bao gồm cả nhà sáng lập ông Đào Thế Vinh, hiện là Giám đốc công ty. Trong quý 4/2021, ông Vinh đã bán khối cổ phần 720 tỷ đồng sau khi chuyển nhượng 371.139 cổ phiếu (tương đương 4,86% vốn điều lệ công ty), thu nhỏ tỷ lệ nắm giữ của ông xuống còn 5,115%, tương đương 390.458 cổ phiếu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Trần Việt Trung vừa qua cũng công bố sẽ chuyển nhượng 161.781 cổ phần (tương đương 2,12% vốn điều lệ) Golden Gate; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Trường đăng ký chuyển nhượng 69.373 cổ phần (tương đương 0,91% vốn điều lệ) công ty.
Ngay cả tổ chức Prosperity Food Concepts Pte. Ltd, một cổ đông lớn từ Singapore vừa qua cũng đăng ký bán hơn 2,5 triệu cổ phần để thoái toàn bộ 32,9% vốn tại Golden Gate.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ta cũng thấy những quỹ đầu tư Singapore tích cực tham gia nắm đến 36% cổ phần công ty qua cả hình thức mua cổ phiếu phổ thông và chuyển nhượng cổ phiếu từ nhóm cổ đông hiện hữu. Cụ thể, Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings của Chính phủ Singapore) dự kiến mua gần 1,54 triệu cổ phần phổ thông. Quỹ Seatown Private Capital Master Fund muốn mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd. muốn mua 436.358 cổ phần Golden Gate.
Tổng số cổ phần chuyển nhượng cho nhóm cổ đông mới vào khoảng 2,74 triệu cổ phiếu, tương ứng 35,95%. Tất cả giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận từ 15/3-13/4. Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, Golden Gate đã công bố thông tin tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của công ty là 100%.