Đóng cửa phiên giao dịch 11/3, chỉ số VN-Index giảm 12,54 điểm (-0,85%) xuống 1.466,54 điểm; HNX-Index giảm 1,22% xuống 442,2 điểm và UPCom-Index tăng 0,07% lên 115,37 điểm.
VN-Index giảm 12,54 điểm (-0,85%) xuống 1.466,54 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 36.000 tỷ đồng.
Rổ VN30 ghi nhận tới 22 mã giảm điểm, áp đảo hoàn toàn 8 mã tăng. Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với 326 mã giảm/129 mã tăng trên sàn HoSE.
Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như chứng khoán, dầu khí, thép, bất động sản, xây dựng…phần lớn đều giảm mạnh trong phiên hôm nay.
Ở chiều ngược lại, NVL, VNM là những cổ phiếu lớn hiếm hoi giữ được sắc xanh tăng điểm.
Cổ phiếu ngân hàng có những diễn biến tích cực hơn khi BID, VCB, STB, MBB, CTG, HDB tăng điểm trong khi phần còn lại như BVB, VPB, TPB, ACB, TCB, MSB... giảm giá.
Thị trường đỏ lửa
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu dầu khí đồng loạt lao dốc. GAS hôm nay là tội đồ của thị trường khi lấy đi của VN-Index hơn 2,6 điểm. Góp bảng trong top đầu những mã giảm giá hôm nay còn có PLX khi giảm tới 5,38% về mốc 58.000 đồng/cổ phiếu.
PVS cũng giảm 3,4% về mốc 36.900 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có tới hơn 20,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và lượng dư mua cũng như dư bán còn khá lớn.
Tương tự, PVD cũng giảm 4,38% về mốc 37.100 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng giao dịch khá lớn trong phiên.
Giá xăng dầu tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp.
Có thể thấy, cổ phiếu nhóm dầu khí lao dốc trong phiên hôm nay cũng không quá là lạ bởi lẽ hôm nay cũng là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu. Đúng như dự báo theo công bố vừa được liên bộ Công thương - Tài chính đưa ra, giá bán các loại xăng tăng lên sát mốc 30.000 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng dầu đã tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá dầu thế giới tăng, là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7-2014.
Việc giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 11-3 đã được dự báo từ trước đó khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới trên 130 USD/thùng. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay dù giá cơ sở được điều chỉnh tăng nhưng vẫn chưa phản ánh hết đà tăng của giá thế giới, nên ngay khi giá vừa điều chỉnh tăng thì doanh nghiệp vẫn lỗ.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ này đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.