"Giá xăng tăng cao quá, phí hỗ trợ không có nên thu nhập không đủ bù chi phí. Do đó, anh em tập trung tại công ty xin thêm hỗ trợ chi phí để trang trải cho tiền xăng", một shipper ShopeeFood trao đổi với phóng viên tờ ICT News.
Theo ghi nhận, 1/3, nhiều tài xế ShopeeFood bắt đầu tụ tập tại trụ sở công ty trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) từ khoảng 9h30 sáng, càng lúc số tài xế tập trung càng đông hơn.
Nguyên nhân của vụ việc kể trên là các tài xế muốn tắt app, yêu cầu công ty tăng phí ship (phí giao hàng) và hỗ trợ thêm thu nhập. Ngoài những người có mặt tại công ty, nhiều shipper khác cũng tắt ứng dụng.
"Trung bình mỗi ngày chạy khoảng 30 đơn, từ 6h sáng tới 10h tối, tổng thu nhập hơn 400.000 đồng chưa kể các khoản phí, xăng xe. Số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, chúng tôi đề xuất tăng phí, hỗ trợ bù lên tiền xăng để có thêm thu nhập. Tiền xăng tăng quá cao trong khi phí ship quá thấp. Nếu chạy thế này thì không có thu nhập", một shipper tên Bảo chia sẻ.
Giá xăng tăng cao đã tác động không nhỏ lên thu nhập của các tài xế. Ngày 10/3, một ứng dụng gọi xe là Grab đã thông báo điều chỉnh tăng giá tất cả các dịch vụ của mình nhằm đảm bảo thu nhập của đối tác, trong bối cảnh giá xăng leo thang.
Cụ thể, giá cước gọi xe ô tô GrabCar 4 chỗ tại TP HCM và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng. Dịch vụ GrabBike tại TP HCM ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.
Tương tự ở Hà Nội, giá cước GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP HCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.500 đồng mỗi km tiếp theo.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng dầu chiếm 30-40% chi phí cấu thành cước taxi. Do vậy, doanh nghiệp taxi đang xem xét việc điều chỉnh giá.
Ông Hùng cho hay hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch tăng giá cước. Nếu giá xăng dầu tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg so với đầu năm như Bộ Công Thương dự báo, giá cước sẽ tăng khoảng 15% so với bảng giá hiện tại.
"Hai năm qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến chúng tôi rất khó khăn, không một doanh nghiệp nào làm ăn có lãi, doanh thu sụt giảm 80%. Tăng giá dịch vụ là quyết định rất khó khăn với doanh nghiệp bởi nền kinh tế đang phục hồi mà doanh nghiệp tăng giá thì khách hàng không dám đi, nhưng nếu không tăng thì chúng tôi càng chạy càng lỗ. Đường nào cũng khó cho doanh nghiệp", ông Hùng cho biết.
Song, ông Hùng cũng kỳ vọng việc giảm thuế môi trường sẽ giúp bảng giá dịch vụ mới không tăng sốc, doanh nghiệp có thể vừa giữ khách, vừa duy trì hoạt động.
Chiều 11/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu, theo đó giá xăng RON95 ở mức 29.820 đồng/lít, RON92 là 28.985 đồng/lít, kg kể từ 15h ngày 11/3. Như vậy, sau 7 đợt tăng liên tiếp, giá xăng đang ở mức cao kỷ lục.