Có màu nâu sẫm và hương thơm từ các loại thảo mộc tự nhiên và rễ cây, Baikal là một loại đồ uống có ga được Liên Xô đưa vào sản xuất từ năm 1976 nhằm cạnh tranh với Coca - Cola, loại nước giải khát phổ biến nhất thế giới thời bấy giờ, thông tin được đăng tải trên blog Life in Russia.
Mặc dù giống đối thủ về màu sắc, song Baikal lại có hương vị khác biệt đáng kể. Công thức của nó được công khai một phần, gồm: Nước, đường cát, axit xitric, là hương thảo, ngải cứu, rễ bạch chỉ, thảo quả, tinh dầu bạch đàn, nguyệt quế, táo, cây cơm cháy và cam thảo. Với những nguyên liệu này, Baikal được miêu tả là làm dịu cơn khát cho cả người lớn và trẻ nhỏ nhưng vẫn an toàn.
Ý tưởng sản xuất một loại đồ uống giải khát bắt đầu nhen nhóm từ rất lâu, trước năm 1976. Năm 1959, triển lãm thương mại đầu tiên của Mỹ được tổ chức tại Moscow. Phía Mỹ có Nixon tham dự, phía Liên Xô là Nikita Khrushchev.
Đó là lần đầu tiên Khrushchev lần đầu tiên dùng thử sản phẩm của PepsiCo và ông ấy rất thích nó. Và giới kinh doanh phương Tây đã không bỏ qua cơ hội quảng cáo nó cho mục đích kinh doanh.
Ngay sau triển lãm, những bức hình chụp nhà lãnh đạo Liên Xô với tiêu đề: "Khrushchev học cách thân thiện hơn và Pepsi đã giúp ông ấy làm điều này" xuất hiện trên các mặt báo.
Đến năm 1972, thức uống phương Tây tuyên bố ý định thâm nhập thị trường Liên Xô và bắt đầu bằng việc sản xuất, các nhà khoa học Liên Xii quyết định tạo ra một loại đồ uống giải khát của riêng họ. Nó có màu nâu sẫm nhưng hương vị hoàn toàn khác bởi trong nhiều năm dài, đối thủ đã bảo mật công thức sản xuất một cách nghiêm ngặt.
Thậm chí nhiều người tin rằng ngay đến công nhân trong nhà máy của Pepsi hay Coca - Cola cũng không biết thức uống này được sản xuất như thế nào. Sau này, những thông tin không rõ ràng trong việc sản xuất Pepsi đã trở thành cơ hội để quảng cáo cho Baikal.
Trong đó Baikal được cho là có lợi cho sức khỏe, còn đối thủ thì không. Có một sự thật thú vị về Baikal rằng có thời, các nha sĩ cho rằng chỉ nên uống qua ống hút để không làm hỏng men răng.
Baikal được sản xuất không lâu thì Liên Xô sụp đổ, Coca - Cola, Pepsi và các đồ uống của Nestle tràn vào, quét sạch thứ hàng Coca nhà nước chưa kịp lớn mạnh.
Baikal vẫn được bán ở Nga hiện nay, nhưng thị trường nó khá hẹp, thường chỉ có ở các thành phố xa xôi, đặc biệt là vùng Siberia. Giá Baikal rẻ hơn Coca - Cola rất nhiều, khoảng 25.000 đồng/1 chai 2l.
Liên quan đến thị trường giải khát của Nga, hôm 8/3, tờ CNBC đưa tin cả PepsiCo và Coca - Cola đã đồng loạt thông báo tạm ngừng kinh doanh ở Nga. Trong đó, Pepsi đã bán sản phẩm của họ ở Nga trong hơn 6 thập kỷ, ngay cả khi công ty dùng nước ngọt của họ để trao đổi với rượu vodka Stolichnaya và tàu chiến.
Về phía Coca - Cola, công ty phát thông báo cho hay: "Trái tim của chúng tôi dành cho những người đang phải chịu đựng những tác động vô lương tâm từ những sự kiện bi thảm này ở Ukraine".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá tình hình trong tương lai", Coca - Cola cho biết. Nga là một trong số ít khu vực trên toàn thế giới nơi đối thủ Coca lép vế so với đối thủ truyền kiếp PepsiCo.