Trước đó, trong ngày 1/10, loại vàng này đã đồng loạt giảm ở các thương hiệu lớn, có nơi giảm tới 750 nghìn đồng/lượng.
Cụ thể, tại Tập đoàn DOJI, giá vàng nhẫn hiện được niêm yết ở mức 81,90-82,9 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu áp dụng mức 81,88-82,88 triệu đồng/lượng. PNJ và Công ty SJC lần lượt niêm yết 82,0-82,9 triệu đồng/lượng và 81,4-83,0 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC hôm nay giữ nguyên mức 82,0-84,0 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay phục hồi. Lúc 9h00 sáng 2/10, giá vàng đứng ở mức 2.660 USD/ounce, tương đương với khoảng 80 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, chưa bao gồm thuế, phí.
Trong bài phỏng vấn với Kitco News, Joni Teves, một chiến lược gia về kim loại quý tại UBS, làm sáng tỏ rằng các yếu tố vĩ mô, thay vì tình hình địa chính trị, là động lực chính ảnh hưởng đến giá vàng và bạc trong dài hạn. Trong khi xung đột leo thang giữa Iran và Israel có thể tạo ra các đợt tăng giá ngắn hạn, Teves nhấn mạnh rằng lãi suất và các yếu tố kinh tế vĩ mô mới là những yếu tố chính đẩy giá vàng lên.
Vị chuyên gia giải thích rằng sự không chắc chắn về địa chính trị có thể tạo động lực cho các nhà đầu tư nắm giữ vàng như một phần của danh mục đầu tư nhằm đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, phản ứng tức thì của giá vàng với các sự kiện này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Yếu tố quan trọng hơn là lãi suất thực và các yếu tố kinh tế vĩ mô, vì chúng quyết định mối quan tâm của nhà đầu tư đến việc giữ vàng.
Teves cũng nhận định rằng cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ không có tác động rõ ràng lên giá vàng. Thay vào đó, các nhà đầu tư tập trung vào tình hình tài chính của Hoa Kỳ và thâm hụt ngân sách, yếu tố được dự báo sẽ tiếp tục tăng, điều này hỗ trợ giá vàng trong trung và dài hạn.