Dự án muối mỏ kali có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó Vinachem đã đầu tư khoảng 100 triệu USD. Dự án nói trên khởi công từ năm 2015, nhưng sau 2 năm đã phải tạm dừng để xin ý kiến của cấp thẩm quyền về việc khai thác.
Bộ Công Thương, sau đó là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Vinachem đã nhiều lần làm việc với các cơ chức năng của Lào, đồng thời tổ chức khảo sát thực địa để bàn cách tái khởi động lại dự án.
“Đích thân Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã sang Lào làm việc về dự án này. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã nhiều lần sang gặp các cơ quan chức năng phía bạn để bàn bạc việc thực hiện. Tập đoàn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và sẽ thực hiện nó với quyết tâm cao nhất, qua đó góp phần vun đắp tình hệ hữu nghị và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp 2 nước Việt - Lào”, lời ông Hiệp.
Đại diện Vinachem cho biết, trung tuần tháng 9 vừa qua, tại Lào, đoàn công tác của Vinachem cùng đại diện của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT và một số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới dự án này đã có các buổi gặp, làm việc với các ông: Phét Phom Phi Phắc - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Lào; Phô Xay Xay Nhạ Sỏn - Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào; Viêng Sa Vẳn Vy Lạy Phon - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt; Vẳn Xay Phong Sa Vẳn - Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khammouan.
“Phía bạn chào đón đoàn và bảy tỏ sự ủng hộ rất lớn đối với việc khởi động lại Dự án muối mỏ kali của Vinachem. Tại các cuộc làm việc, chúng tôi đã trao đổi, báo cáo chủ trương tiếp tục triển khai dự án, đồng thời đề nghị các Bộ KH&ĐT, Mỏ và Năng lượng của Lào sớm cấp giấy phép nhập khẩu vật tư, thiết bị, giấy phép xây dựng và các thủ tục điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án”, Chủ tịch Vinachem nói.
Như Báo PLVN đã thông tin, dự án này triển khai từ hơn 10 năm trước, đến thời điểm này cần phải điều chỉnh, thẩm tra và phê duyệt lại FS. Công việc này dự kiến sẽ triển khai và hoàn thành trong khoảng từ 9 - 12 tháng, và sau đó sẽ bắt đầu thi công dự án trong vòng 24 tháng để đưa vào khai thác, cho ra sản phẩm thương mại.
Được biết, dự án này nằm trên địa bàn tỉnh Khammuoan (ở Trung Lào), với diện tích khai thác 10 km 2 . Sản phẩm của nhà máy này sẽ phục vụ cho sản xuất phân bón. Dự kiến, công suất giai đoạn I của dự án là hơn 250.000 tấn kali/năm, trong khi nhu cầu thực tế của thị trường trong nước từ 900.000 - 1.000.000 tấn kali/năm.
Theo ông Đỗ Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Miền Nam - một đơn vị thành viên của Vinachem, mỗi năm doanh nghiệp này phải nhập tới 30.000 tấn kali để sản xuất phân bón NPK. Các doanh nghiệp ngành phân bón trong nước tùy theo quy mô sản xuất cũng đang phải nhập khẩu loại nguyên liệu đầu vào này.
“Một số nhà đầu tư trong nước như Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng khá quan tâm đến dự án nói trên và đã tham gia đoàn công tác của chúng tôi tới Lào dịp này”, ông Phùng Quang Hiệp nói và cho biết thêm, sau khi trở về Việt Nam, một số công việc cần thiết phục vụ điều chỉnh FS của dự án đã được triển khai ngay.
Trong tháng 9/2024, một Tổ công tác thực hiện Dự án muối mỏ kali tại Lào cũng đã được thành lập do cấp Phó Tổng Giám đốc Vinachem làm Tổ trưởng để điều phối các công việc liên quan bên cạnh một đơn vị chuyên trách của Tập đoàn là Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt - Lào (Vilachemsalt).
“Tổ công tác của Vinachem sẽ họp, báo cáo tiến độ công việc theo từng tuần. Mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu hoàn thành dự án sau 3 năm nữa”, Chủ tịch Vinachem Phùng Quang Hiệp quyết tâm.