Tạp chí Science vừa công bố kết quả điều tra về gian lận khoa học của Eliezer Masliah, giáo sư danh dự Đại học California tại San Diego (UCSD) kiêm giám đốc phân khoa thần kinh học của Viện Lão khoa quốc gia Mỹ (NIA).
132 bài báo chứa nhiều dữ liệu bất thường và dấu hiệu gian lận
Eliezer Masliah đã công bố khoảng 800 bài báo khoa học (nhưng ScholarGPS liệt kê ông có gần 1.100 bài).
Các bài báo của ông tập trung vào cơ chế gây bệnh Alzheimer và Parkinson, trong đó có rất nhiều bài trên Nature, Science và các tạp chí danh giá khác, với hàng ngàn trích dẫn mỗi bài.
Nếu tính theo số lượng bài báo và số lượt trích dẫn, Masliah là nhà khoa học hàng đầu thế giới trong nhiều hướng nghiên cứu.
Tuy nhiên, kết quả điều tra của Science cho thấy ít nhất 132 bài báo của Masliah công bố trong khoảng thời gian gần 30 năm, từ năm 1997 - 2023, chứa nhiều dữ liệu bất thường và dấu hiệu gian lận.
Tác giả Masliah đã vi phạm liêm chính khoa học khi tái sử dụng hình ảnh cũ trong một số bài báo khoa học và 'biên tập' hoặc giả tạo hàng trăm hình ảnh thí nghiệm khác trong số 132 bài báo khoa học. Như vậy các bài báo khoa học trên có kết quả có thể sai hay đáng ngờ.
Nhiều thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh Parkinson dựa trên các bài báo đáng ngờ
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), tổ chức mẹ của NIA, cũng mới công bố kết luận về hành vi làm giả và/hoặc bịa đặt dữ liệu của Masliah.
Theo kết luận của NIH, Masliah đã gian lận (misconduct) và vi phạm đạo đức khoa học.
Hàng trăm công trình nghiên cứu và nhiều thử nghiệm lâm sàng về các thuốc điều trị Alzheimer và Parkinson trên hàng vạn bệnh nhân với chi phí nhiều tỉ USD đã và đang được tiến hành dựa trên các bài báo chứa dữ liệu bất thường của Masliah.
Một số nghiên cứu của ông được sử dụng làm nền tảng cho thuốc Prasinezumab để điều trị bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm Prasinezumab ở giai đoạn II, thuốc hoàn toàn vô dụng. Một thử nghiệm khác cho ra kết quả bất định.
NIH cho biết sau báo cáo điều tra, Masliah không còn là giám đốc phân khoa thần kinh học của NIA.
Nhận định về vụ gian lận khoa học trên, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc), cho rằng rất có thể vì áp lực giữ vị trí hàng đầu mà giáo sư Eliezer Masliah làm bậy. Nhưng vấn đề là tác hại của vụ việc này khiến nhiều người sẽ mất niềm tin vào khoa học.
Và biết bao nhiêu tiền đã đổ sông đổ biển để theo đuổi những kết quả sai trái.
"Sự việc cho thấy nhiều thử nghiệm lâm sàng (như thuốc Prasinezumab) giống như xây lâu đài trên cát. Cơ sở khoa học cho những thử nghiệm đó quá yếu. Và khi thử nghiệm đồ dỏm như thế sẽ tác hại đến bệnh nhân.
Thầy thuốc nếu có sai có thể gây tác hại đến vài người. Nhưng nhà khoa học sai thì gây hại cho hàng triệu người", giáo sư Tuấn nhấn mạnh.