Các nhà khảo cổ học của Anh thông báo đã phát hiện một khu rừng cổ có niên đại từ 15 - 30 triệu năm tuổi ở quần đảo Falkland, vùng lãnh thổ hải ngoại ở Nam Đại Tây Dương mà Argentina cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Malvinas, nơi vốn trong hàng chục ngàn năm không có cây nào to ngoài cây bụi và thảm thực vật thấp khác.
Khu rừng được phát hiện ở độ sâu gần 6m dưới lòng đất, khi người ta đào được thân cây từ lớp than bùn tại một công trường xây dựng gần thủ phủ Stanley.
Tiến sĩ Zoë Thomas, giảng viên địa vật lý tại Đại học Southampton (Anh), tác giả chính của nghiên cứu về Falkland/Malvinas, cho biết phát hiện này rất kỳ lạ vì những gì mọi người biết về quần đảo trên là một nơi rất nhiều gió và cằn cỗi, không có cây nào mọc.
Bà Thomas và các đồng nghiệp đã đến địa điểm này và bắt đầu thu thập những khúc gỗ lớn nói trên. Bà cho biết phần còn lại của cây được bảo quản nguyên sơ đến mức trông giống như gỗ trôi dạt.
Các thân cây Sanfordiacaulis densifolia được bao bọc trong hơn 250 chiếc lá xếp theo hình xoắn ốc. Sự bảo tồn độc đáo này là kết quả của những trận động đất tại hệ thống hồ có niên đại 352 triệu năm, hiện ở New Brunswick, Canada.
Các khúc gỗ và mẫu lớp than bùn đã được vận chuyển đến phòng thí nghiệm tại Đại học New South Wales của Úc để nghiên cứu. Các nhà khoa học sử dụng kính hiển vi điện tử tái dựng hình ảnh rất chi tiết về cấu tạo tế bào của gỗ.
Theo tiến sĩ Thomas, sự hiện diện của các hóa thạch cây cho thấy hòn đảo này từng tồn tại một khu rừng mưa ôn đới, một hệ sinh thái hoàn toàn khác biệt so với môi trường hiện tại của hòn đảo. Câu chuyện về khu rừng này thậm chí còn có nguồn gốc xa hơn so với những gì các nhà nghiên cứu ban đầu nghĩ.
Cây quá già nên không thể xác định niên đại bằng phóng xạ carbon, phương pháp có thể xác định tuổi của vật chất hữu cơ lên đến 50.000 năm tuổi. Nhóm các nhà khoa học quốc tế đã chuyển sang các hạt phấn hoa và bào tử cực nhỏ tìm thấy trong than bùn để tìm câu trả lời.
Hồ sơ phấn hoa dẫn đến kết luận rằng thân cây và cành cây có niên đại từ 15 - 30 triệu năm tuổi. Điều này cho thấy khí hậu ở quần đảo Falkland/Malvinas hàng triệu năm trước ẩm ướt và ấm hơn ngày nay.
Giám đốc bộ sưu tập cổ thực vật học tại Bảo tàng Field ở Chicago (Mỹ), ông Michael Donovan, cho biết quần đảo Falkland/Malvinas hiện toàn đồng cỏ và thiếu cây bản địa. Phấn hoa hóa thạch, bào tử và gỗ trong nghiên cứu trên đã vẽ nên một bức tranh rất khác về môi trường cổ đại, cung cấp bằng chứng trực tiếp về sự hiện diện của những khu rừng mát mẻ, ẩm ướt nơi đây.
Địa điểm quan trọng để nghiên cứu biến đổi khí hậu
Theo nghiên cứu, lý do chính xác khiến cây không còn mọc trên quần đảo Falkland/Malvinas vẫn chưa rõ ràng vì chúng vẫn phát triển mạnh ở cùng vĩ độ tại Nam Mỹ. Hai chuyên gia trên đều cho rằng khí hậu gió mạnh và môi trường đất than bùn có tính axit ở đó có thể là nguyên nhân. Những đặc điểm này cũng là lý do khiến quần đảo Falkland/Malvinas là địa điểm quan trọng để nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Nam Bán cầu.
Bà Thomas cho biết thêm gió tây thịnh hành có thể ảnh hưởng đến băng Nam Cực, lưu thông khí quyển và các kiểu mưa, và các đảo là một trong số ít khối đất trên đường đi của chúng. Hiểu được cách những cơn gió này mạnh lên hay yếu đi trong quá khứ, xét đến vị trí của các đảo gần Nam Cực, có thể giúp dự đoán những thay đổi trong tương lai về khí hậu.
Tuy nhiên, theo bà Thomas, các hòn đảo này ít khả năng sớm có cảnh quan rừng trở lại. Bà nói: "Các dự báo hiện tại cho thấy khu vực này sẽ ấm hơn nhưng cũng khô hơn, dẫn đến lo ngại về nguy cơ xói mòn đất than bùn".