Một cô bé 16 tuổi người Tây Ban Nha mắc chứng bại não vừa đạt được cột mốc đáng nhớ, khi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhờ vào một thiết bị theo dõi chuyển động mắt, cho phép em viết và giao tiếp bằng chính đôi mắt của mình.
Gema Canales mắc chứng bại liệt tứ chi thể co cứng, một trong những dạng nặng nhất của bại não. Do không thể nói chuyện, cô bé đã sử dụng một công nghệ tương tự hệ thống mà nhà vật lý nổi tiếng người Anh Stephen Hawking từng dùng.
Mặc dù vậy, thay vì điều khiển bằng má như ông Hawking, Gema điều khiển hệ thống này bằng đôi mắt của mình.
Thiết bị mà Gema đang sử dụng là Giao tiếp thay thế tăng cường (AAC) - một sản phẩm của Công ty Irisbond. Ông Eduardo Jauregui, giám đốc điều hành (CEO) và cũng là người đồng sáng lập Irisbond, cho biết: "Công nghệ theo dõi mắt cho phép theo dõi chuyển động của mắt và tương tác với các thiết bị như máy tính hoặc máy tính bảng. Nói đơn giản, đôi mắt trở thành con chuột máy tính".
Theo ông Jauregui, AAC hoạt động trên các nền tảng Windows và IpadOS, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và có thể điều khiển mọi màn hình hoặc thiết bị cảm ứng chỉ bằng ánh mắt, qua đó "có thể tương thích với mọi loại máy móc, từ ATM đến xe tự lái trong tương lai".
Ông đồng thời chia sẻ: "Gema là một tấm gương và là hình mẫu để tham khảo từ khi còn rất nhỏ. Đây không chỉ là cô bé đầu tiên ở Tây Ban Nha sử dụng thiết bị AAC bằng mắt, mà em còn chiến đấu không ngừng để công nghệ này được bình thường hóa và tích hợp vào một lớp học thông thường".
Thiết bị ACC có thể được sử dụng cho những người bị chẩn đoán mắc chứng bại não, những người bị đột quỵ hay mất khả năng ngôn ngữ khi tỉnh dậy sau hôn mê.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Tây Ban Nha về hỗ trợ người bại não, có khoảng 120.000 người ở Tây Ban Nha mắc chứng rối loạn này và 80% trong số họ cần hỗ trợ đặc biệt cho các hoạt động hằng ngày.
Theo ông Jauregui, hệ thống y tế công của Tây Ban Nha đã tài trợ hoàn toàn cho các công cụ hỗ trợ công nghệ cho học sinh có nhu cầu giao tiếp đặc biệt, nhưng "nguồn lực hỗ trợ trong lớp học vẫn còn hạn chế".
Ông nhấn mạnh: "Những gì Gema đạt được tại trường công lập của cô bé cho thấy tác động to lớn mà công nghệ có thể mang lại khi có đủ công cụ và sự hỗ trợ cần thiết. Gema đã trở thành nguồn cảm hứng cho những ai mong muốn đạt được điều tương tự".
Công nghệ "tiếp sức" người có ý chí
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Gema chia sẻ rằng em sẽ cống hiến cho quỹ từ thiện mang tên mình và làm việc để giúp đỡ những trẻ em không có được cơ hội như mình.
Quỹ Gema Canales cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ nhiều hơn cho học sinh khuyết tật sau bậc giáo dục bắt buộc. Quỹ này nêu rõ: "Khi bước vào bậc trung học phổ thông, các em gặp phải một vấn đề lớn. Vì đó không phải là giáo dục bắt buộc, nên các tài liệu, giáo viên và lớp học không được điều chỉnh phù hợp, khiến các em không thể tiếp cận với giáo dục đại học hoặc sau đại học".
Câu chuyện của Gema không chỉ là một minh chứng cho sức mạnh của công nghệ, mà còn là niềm hy vọng cho những ai đang đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Gema đã chứng minh rằng với công cụ và sự hỗ trợ đúng đắn, mọi người đều có thể vượt qua rào cản và thực hiện ước mơ của mình.