Vào lúc 11h40, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 79 - 81 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc như Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý cũng đồng loạt tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng lên 81 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp vẫn duy trì giá mua vào - bán ra chênh 2 triệu đồng/lượng.
4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán vàng miếng SJC lên 81 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá bán vàng miếng SJC cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bán trực tiếp vàng miếng SJC cho 5 đơn vị ấn định gần 3 tháng qua.
Cũng trong sáng nay, lần đầu tiên, giá vàng miếng SJC "chợ đen" thấp hơn giá các đơn vị được phép kinh doanh bán 100.000 đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng sau 2 ngày giá vàng thế giới lập kỷ lục lên mốc trên 2.500 USD/ounce.
Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước hoàn thành sứ mệnh bình ổn thị trường vàng miếng SJC trong nước. Trước đây, khi chưa tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng miếng cho người dân thông qua Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cùng các ngân hàng quốc doanh, giá vàng miếng SJC có lúc cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng SJC chỉ chênh lệch so với giá thế giới khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.
“Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc giảm khoảng cách của giá vàng trong nước so với thế giới. Vì thế đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước không cần tiếp tục bán vàng bình ổn thông qua các kênh phân phối như hiện tại", ông Phương nói.
Theo ông Phương, lượng vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tung ra thị trường trong suốt 4 tháng qua thông qua đấu thầu vàng và bán vàng trực tiếp cho dân qua 5 đơn vị được chỉ định có thể lên tới khoảng 300.000 lượng, giúp thị trường đã hết “khát” vàng miếng. Những người có nhu cầu mua vàng với số lượng lớn cũng đã sở hữu đủ. Bằng chứng là thời gian trước, giá vàng trên "chợ đen" thường đắt hơn giá vàng do Ngân hàng Nhà nước bán ra từ 2-4 triệu đồng/lượng. Nhưng giờ đây, khoảng cách này chỉ còn 1 triệu đồng/lượng, có nghĩa là nhu cầu về vàng miếng đã đến mức bão hòa.
"Chỉ một số người cần vàng gấp, không thể chờ mua từ ngân hàng mới chấp nhận mức chênh lệch giá đó. Với số lượng vàng miếng SJC đã cung ứng ra thị trường như trên, thị trường vàng hoàn toàn có thể tự vận hành theo quy luật cung - cầu mà không còn cần đến sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước", ông Phương khẳng định.