Tài chính

Giá vàng miếng SJC tăng dựng đứng, chính thức vượt mốc 76 triệu đồng/lượng

Cụ thể tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC lúc 8h30 được niêm yết ở mức 75,2-76,2 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày 21/12. Trước đó, trong phiên 21/12, giá vàng miếng tại đây cũng đã tăng khoảng nửa triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng nhẫn trơn 9999 tạm giữ nguyên so với cuối phiên trước, vẫn ở mức 61,7-62,75 triệu đồng/lượng.

Tương tự tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC tại các cửa hàng ở TP.HCM đang được niêm yết 75,1-76,1 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 500 nghìn đồng/lượng so với phiên hôm qua. Giá vàng nhẫn tròn 9999 tại đây tăng nhẹ lên 61,9-62,85 triệu đồng/lượng.

Như vậy chỉ trong chưa đến 2 ngày, giá vàng miếng trên thị trường đã tăng gần 1 triệu đồng/lượng, liên tục phá đỉnh lịch sử.

Giá vàng miếng SJC tăng dựng đứng, chính thức vượt mốc 76 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

 

Mức giá thấp nhất của vàng SJC được ghi nhận trong năm nay là 66,5 triệu đồng/lượng vào hồi tháng 3. Như vậy so với mức đáy này, vàng SJC đã tăng đến gần 10 triệu đồng/lượng, đem về khoản lãi đáng kể cho nhà đầu tư.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đang ở mức 2.049 USD/ounce, tăng khoảng 17 USD/ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, giá vàng quốc tế tương đương với khoảng 60,5 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế, phí.

Như vậy, giá vàng SJC đang tăng mạnh hơn so với giá vàng thế giới. Theo đó, chênh lệch giá vàng quốc tế và trong nước ngày một nới rộng, hiện đã lên gần 16 triệu đồng/lượng.

Bất chấp việc các thương hiệu kinh doanh vàng luôn duy trì mức chênh lệch giá mua – bán vàng SJC từ 1 triệu đồng/lượng (từ ngay thời điểm mua vào là người dân đã bị lỗ), vàng SJC vẫn là tài sản tích trữ truyền thống được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Tuy nhiên, nhu cầu luôn cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã khiến giá vàng SJC nhiều lúc diễn biến "một mình một chợ" và cao hơn nhiều so với vàng quốc tế.

Theo giới chuyên gia, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực vào năm 2012, Việt Nam nhập vàng mỗi năm hàng chục tấn, thế nhưng từ sau khi nghị định có hiệu lực đến nay, Việt Nam không cho nhập vàng. Sau hơn 10 năm, nguồn nguyên liệu trong nước càng ngày càng khó cân đối dù giao dịch giảm sút đi rất nhiều so với trước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm