Các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thường được biết đến đến với việc sở hữu quy mô tài sản lớn, và đóng góp đáng kể vào giao dịch trên thị trường. Khác với NĐT cá nhân trong nước, NĐT ngoại thường có nhiều nguyên tắc trong lựa chọn cổ phiếu. Chiến lược thường thấy là mua và nắm giữ (buy and hold) cổ phiếu trong dài hạn (thời gian một hoặc đến nhiều năm), chỉ bán ra khi đạt đến mức giá kỳ vọng (chốt lời).
Tuy nhiên, những giao dịch ngắn hạn của các tổ chức nước ngoài xuất hiện dày sơn sau năm 2022. Tâm thế của họ thay đổi khi thị trường chứng khoán Việt Nam biến động lớn.
Ví dụ tại TNG, cổ đông Phillip Securities Public Company đã tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 5% vào tháng cuối 3. Tuy nhiên từ tháng 7 đến tháng 8, NĐT Thái Lan đã có 4 báo cáo giao dịch trái chiều (2 mua, 2 bán). Bán ròng gần 1 triệu cổ phiếu, tổ chức này hạ sở hữu, không còn là cổ đông với tỷ lệ sở hữu 4,6% vốn.
Hay, nhóm cổ đông Asisaig Partner đã liên tục bán ra cổ phiếu MWG của Thế giới Di động dù từng cam kết nắm giữ trong dài hạn.
Nếu chỉ xét một cổ phiếu nhất định, việc mua bán như trên dù rút ngắn hơn, song chưa phải chuyện mới lạ. Giao dịch có thể nhằm mục đích cơ cấu danh mục hay thay đổi chiến lược đầu tư tại doanh nghiệp. Không chỉ đến từ Asisaig Asia Consumer, Dragon Capital cũng giảm tỷ trọng MWG từ đầu năm đến nay, khi doanh nghiệp bán lẻ đang có chiều hướng giảm lợi nhuận.
Ở chiều đối lập, nhóm Dragon Capital có xu hướng rót vốn vào các mã khác như DGC, VHC, HSG, NKG, VCG. Hay như Pyn Elite Fund, sau khi giảm tỷ lệ đầu tư vào "họ Vin", quỹ rót vốn vào SHS, và mua thêm MIG, CMG.
Theo dõi về các giao dịch của quỹ, tính riêng giai đoạn từ đầu quý IV đến 20/12, nhóm Dragon Capital đã 18 lần báo cáo giao dịch khiến tỷ lệ sở hữu thay đổi vượt quá biên độ 1%. Con số này đang tạm thời là 5 đối với Pyn Elite cũng như AFC Vietnam Fund.
"Cứ vài ngày lại thấy Dragon Capital mua hoặc bán cổ phiếu, điều chưa từng có trong các năm trước", một nhà phân tích chứng khoán chia sẻ.
Trong đó, nhóm Dragon Capital có một số giao dịch trái chiều tại một cổ phiếu chỉ trong thời gian ngắn tại DXG (báo cáo bán vào 9/10, rồi mua lạ vào 17/10 và 23/10) hay PVD (báo cáo mua vào 30/10, bán vào 31/10, sau đó lại mua ngày 2/11).
Nhìn rộng ra đối với Dragon Capital, nhóm quỹ ghi nhận hàng loạt giao dịch đối với các cổ phiếu PVD, PVS, STB, DXG, MWG, DGC, VHC, GEX... xuyên suốt cả năm 2023.
Giao dịch thời gian ngắn vài phiên còn ghi nhận tại Pyn Elite Fund và AFC Vietnam Fund. Quỹ Phần Lan đã mua 3 triệu cổ phiếu SHS vào 1/12 và sau đó bán cũng với 3 triệu cổ phiếu vào 4/12. Theo các báo cáo hoạt động gần nhất của Pyn Elite Fund, quỹ đã bán bớt cổ phiếu VHM trong danh mục.
Đối với AFC Vietnam Fund, quỹ cũng có nhiều giao dịch trái chiều cổ phiếu EVE từ ngày 17/11 đến 24/11.
Giao dịch "dày" hơn để thích nghi với TTCK
Vấn đề đặt ra, việc các quỹ ngoại trading cổ phiếu liệu chỉ mang yếu tố thời điểm hay sẽ là xu hướng mới trong giao dịch?
Theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, từ sau cú rơi của TTCK năm 2022, nhiều quỹ ngoại được cho là chủ quan và không sớm dự báo được tình, khiến họ bị động và có hiệu suất đầu tư kém. Do đó, sang năm 2023, nhiều quỹ đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc trading (mua bán chứng khoán) ngắn hạn.
“Thực chất việc trading ngắn hạn của khối ngoại không phải lúc nào cũng đúng. Chiến lược chung là họ bán ở những vùng kháng cự và mua ở những vùng hỗ trợ quan trọng. Tuy nhiên khi thủng hỗ trợ, họ cũng quay ra bán bình thường (có cả kết quả đúng hoặc sai). Xu hướng này nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.
Trong khi đó, lực bán ròng chủ động với số lượng lớn trong thời gian gần đây không phải là từ lượng trading này, mà thuần hơn là việc rút vốn và bán các cổ phiếu đã tăng nhiều hoặc có định giá không còn phù hợp.”, ông Huy nhận định.
Tại một hội thảo đầu tư vào giữa tháng 12 , ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng đồng thuận một số quỹ đầu tư đã mắc sai lầm trong giai đoạn trước đây, dẫn đến việc họ phải đề cao quản trị rủi ro.
“Bản chất là quỹ đầu tư đang thích nghi dần với thị trường, quan tâm nhiều hơn đến những biến động ngắn hạn. Thứ hai, họ bắt đầu ứng dụng các mô hình định lượng, công nghệ trong việc chọn lọc cổ phiếu. Từ đó, quỹ đầu tư càng ngày càng có tần suất giao dịch dày hơn. Theo tôi biết, một quỹ đầu tư lớn đã tuyển dụng bộ phận chuyên trading để chuẩn bị cho tương lai.