Công nghệ

1C Skills Camp Hackrathon Hanoi 2023 trao hơn 6.000 USD tiền thưởng

Với thông điệp học tập - phát triển - kiến thiết thế giới, cuộc thi quốc tế được tổ chức tại Hà Nội, với sự đồng hành của VnEconomy Techconnect, Viblo và The Trainee Club. Sau những giờ "đấu trí", các ứng viên phải đề xuất phần mềm tối ưu trên nền tảng low-code - viết phần mềm nhưng không cần lập trình phức tạp. Chương trình đã tìm ra những cá nhân, đội xuất sắc nhất.

Theo đó, ở hạng mục cá nhân, thí sinh thắng cuộc là Anna Dementieva (người Mông Cổ) với giải thưởng trị giá 1.000 USD. Chủ nhân giải thưởng hạng mục tập thể là TBS (Việt Nam) với các thành viên Tạ Quang Tiến, Nguyễn Thành Bình, Nguyễn Thanh Sơn, nhận 5.000 USD cho giải pháp cho đề bài bằng cách tích hợp hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning - ERP) và quy trình xử lý dữ liệu vào xử lý hàng tồn kho; đồng thời phát triển ứng dụng di động cho nhân viên quản lý kho.

"Cuộc thi hướng tới giá trị lâu dài, do đó chúng tôi nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất. Đây là cơ hội để chúng tôi cọ sát, trải nghiệm thực tế và mang về những kinh nghiệm hữu ích khi thực hiện ý tưởng trên nền tảng low-code", đại diện đội thi TBS cho biết.

Bên cạnh phần thi chính, cuộc thi mini hackathon cũng được tổ chức dành cho các sinh viên với đề bài "Triển khai ứng dụng 1C nhỏ cho doanh nghiệp". Giải nhất thuộc về Hà Hữu Lương, sinh viên năm 4, Học viện Ngân hàng nhờ thiết kế giao diện tốt, thêm biểu mẫu vào trang chủ, trình bày đẹp.

Các đội và cá nhân xuất sắc đoạt giải tại sự kiện 1C Skills Camp Hackathon Hanoi 2023. Ảnh: 1C Việt Nam

Các đội và cá nhân xuất sắc đoạt giải tại sự kiện 1C Skills Camp Hackathon Hanoi 2023. Ảnh: 1C Việt Nam

Theo Gartner, tính đến năm 2024, khoảng 65% số lượng ứng dụng được xây dựng bằng low-code, hơn 60% công ty lớn sẽ áp dụng mô hình này trong hệ thống doanh nghiệp. Thị trường low-code dự kiến đạt 187 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 31,1% trong giai đoạn 2020-2030, theo Statista.

Do đó, low-code là bước cải tiến mới trong lập trình với những khả năng cho phép tạo nội dung phức tạp nhưng không cần kiến thức sâu về lập trình. Nhờ vậy, low-code platform mở ra cánh cửa mới cho những ai muốn phát triển sản phẩm.

Thí sinh tại cuộc thi 1C Skills Camp Hackathon Hanoi 2023 đưa ra ý tưởng giải pháp áp dụng từ nền tảng low-code 1C:Enterprise. Ảnh: 1C Việt Nam

Thí sinh tại cuộc thi 1C Skills Camp Hackathon Hanoi 2023 đưa ra ý tưởng giải pháp áp dụng từ nền tảng low-code 1C:Enterprise. Ảnh: 1C Việt Nam

Thực tế, low-code platform được phát triển để tối ưu hóa thời gian và khối lượng công việc của đội ngũ công nghệ thông tin. Nền tảng này cho phép đội ngũ thử nghiệm ý tưởng và xây dựng giải pháp hỗ trợ cho công ty linh hoạt. Nếu những thử nghiệm ổn định, lập trình viên có chuyên môn công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phát triển nó, như vậy thời gian làm việc trong ngày sẽ được tối ưu hóa và tạo ra nhiều giá trị hơn. Ngành công nghệ thông tin không thể "mất việc" vào tay low-code, ngược lại đây còn là một công cụ làm việc lý tưởng và mang tới nhiều giá trị hơn cho lập trình viên.

Theo CIO, 26% giám đốc điều hành tin nền tảng low-code là khoản đầu tư quan trọng nhất trong quá trình tự động hóa.

Nhờ sự ưu việt này, low-code được gọi là xu hướng công nghệ tương lai và cuộc thi 1C Skills Camp Hackrathon Hanoi 2023 từ 1C Việt Nam tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm, ứng dụng nền tảng low-code thông qua thử thách giải quyết các vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm