Doanh nghiệp

Giá thức ăn chăn nuôi phi mã, các ông lớn trong ngành cũng méo mặt gồng gánh

Bức tranh kinh doanh doanh nghiệp chăn nuôi nhuốm màu ảm đạm 

Cuối tháng 5, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi như Japfa Comfeed, De Heus, MNS Feed và Sunjin Vina chi nhánh Tiền Giang đồng loạt thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi cho heo 300 – 400 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2022.

Lý giải việc giá tăng, các doanh nghiệp cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên phải điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi giá thức ăn phi mã, giá heo ba miền lại tiếp tục đi ngang, dao động 55.000 - 58.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất ở nông hộ khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Việc giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất không chỉ khiến nông dân chịu thiệt hại nặng nề, mà ngay cả những ông lớn trong ngành chăn nuôi cũng phải gồng mình gánh giá thức ăn. 

 

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) vừa ghi nhận lợi nhuận quý I thấp nhất trong 10 quý gần đây.

Theo đó, doanh thu thuần của Dabaco đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 13% so với quý I/2021. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm sản xuất đạt 2.759 tỷ đồng, chiếm 94% tổng doanh thu.

Giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 254 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,6 tỷ đồng, giảm gần 98% so với cùng kỳ năm 2021.

Dabaco lý giải trong quý I, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn kép cả trên người và vật nuôi từ dịch COVID-19 và dịch trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch tả heo châu Phi.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn từ dịch bệnh đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Năm 2022, Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu thuần đạt 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng. lần lượt tăng 13% và 11% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, sau ba tháng, Dabaco mới đạt 13% chỉ tiêu doanh thu và chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong bối cảnh giá heo, gia cầm trong nước khó tăng đột biến, dịch bệnh trên động vật luôn rình rập, kế hoạch sản xuất và kinh doanh của Dabaco được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So đánh giá có tính “thận trọng và khả thi”.

Riêng với mảng heo, ông So kỳ vọng giá heo năm 2022 sẽ trong khoảng 58.000 đồng/kg giúp các kế hoạch thành hiện thực.

Ở mảng chăn nuôi theo chuỗi, Dabaco là ví dụ điển hình khi nói về tác động của giá thức ăn, nguyên liệu tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp. Còn ở mảng phân phối, chế biến thì CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Mã: VNS) là một doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thị trường.

Theo đó, trong quý I, doanh thu thuần của Vissan đạt 944 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu giảm mạnh nhất ở mảng thịt tươi sống, còn thịt chế biến vẫn ổn định.

Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Bước sang năm 2022, Vissan đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 9% về mức 170 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận này Vissan phân bổ đều trong 4 quý.

Về sản lượng, dự kiến mặt hàng tươi sống tăng 20% lên gần 18.500 tấn và thực phẩm chế biến tăng 18% lên 28.000 tấn các loại.

Như vậy, hết quý I, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Vissan lần lượt đạt 19% và 27% kế hoạch năm. Phần doanh thu chưa đạt được sẽ cộng dồn và chia đều cho 3 quý còn lại, gây áp lực quý tiếp theo.

Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý I của các doanh nghiệp. 

Tại ĐHCĐ năm 2022, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan cho biết hoạt động kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan như xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine kéo dài khiến giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người dân hạn chế mua sắm nơi công cộng, tâm lý thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua của người tiêu dùng tiếp tục giữ ở mức thấp.

Sau Tết Nguyên đán và quý I, sức mua các mặt hàng tươi sống trên thị trường cực thấp, đặc biệt là kênh bán hàng hiện đại.

Ngoài ra, dịch bệnh tả heo châu Phi tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bùng phát ở một số địa phương có tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.

Một yếu tố nữa là đối thủ cạnh trạnh xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng khốc liệt. Từ đó sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.  

Dù vậy, Vissan sẽ kiên định với chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng 3F (Feed, Farm, Food), hướng đến đáp ứng 20-30% nhu cầu của công ty trong dài hạn.

Tương tự như Vissan, CTCP Masan MeatLife (Mã: MML) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý I giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 931 tỷ đồng và chủ yếu đến từ mảng thịt.

Lợi nhuận gộp kỳ này chỉ đạt 56 tỷ đồng, giảm 92% do Masan MeatLife đã tách mảng chăn nuôi, mảng kinh doanh đóng góp 80% doanh thu. Dù doanh thu giảm sâu song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại tăng bật 67%, đạt 244 tỷ đồng.

Năm 2022, Masan MeatLife đặt mục tiêu doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng – 6.000 tỷ đồng, giảm 68 – 74% so với kết quả thực hiện năm 2021, trong đó không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi.

Lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa nhờ mở rộng danh mục thịt heo và thịt gà có thương hiệu, gia tăng khả năng phân phối, đồng thời nâng công suất chế biến và tăng trưởng doanh số từ sản phẩm chế biến.

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo thường niên của các doanh nghiệp. 

Heo ăn chuối và quý I huy hoàng của bầu Đức 

Trong khi Dabaco, Vissan, Masan MeatLife ghi nhận doanh thu giảm thì CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã: HAG) lại đi ngược dòng, cả doanh thu và lợi nhuận quý I đều tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I, doanh thu thuần của HAGL đạt 830 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu ở mảng bán heo đạt 124 tỷ đồng, tăng 77% và chiếm 15% trong tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng gần 5,7 lần, từ mức âm 69 tỷ đồng lên 258 tỷ đồng.

Năm nay, HAGL đặt mục tiêu doanh thu ở mức hơn 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng, tăng 130% về doanh thu và gấp 8,8 lần so với kết quả thực hiện năm 2021. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015.

Doanh nghiệp này đang có kế hoạch huy động 1.700 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, dùng để đầu tư dự án heo ăn chuối của ông Đoàn Nguyên Đức – “bầu” Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL.

“Giá thức ăn cho heo tăng lên thì HAGL không ngại vì đã có chuối tươi của riêng công ty, khi mà giá vốn thức ăn chăn nuôi chiếm 75% giá thành. Giá thức ăn càng lên cao thì HAGL càng có lợi”, bầu Đức nói.

Hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi bằng cách nào? 

Có thể thấy, việc phụ thuộc 90% vào nguyên liệu của thế giới khiến ngành chăn nuôi luôn ở thế bấp bênh.

Dù cuối tháng 12/2021, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine khiến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi càng thêm căng thẳng, mức giảm thuế này chỉ như “muối bỏ bể” trong cơn bão giá.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết: “Để sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu. Việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 0,5 - 1%", ông Hiếu nói.

Tương tự, CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và chi phí chế phẩm an toàn sinh học hiện nay tăng cao.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

"Hiện nay, chúng tôi có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Mặc dù thuế cũng hạ rồi nhưng trong bối cảnh giá nhập khẩu cao như vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu ở mức tốt hơn", ông Khánh nói.

Việc giảm thuế là giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài, một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo đó, Tập đoàn De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.

De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm