Ngày 24-5, UBND phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết đã làm việc với bà TTNP (32 tuổi, ngụ phường Tân An) để làm rõ việc bà này làm thủ tục khai tử con trai 3 tuổi khi cháu bé vẫn còn đang sống.
Trước đó, bà TTNP khai con trai mình là cháu L. mất do bệnh viêm phổi vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 4-5. Đến ngày, 11-5, UBND phường Tân An cấp giấy chứng tử cháu L. Sau đó, UBND phường Tân An thừa nhận sai sót khi không xác minh nhưng cấp giấy chứng tử cháu L.
Người thân cháu L. đến trụ sở UBND phường Tân An yêu cầu làm rõ sự việc. Ảnh: HT
Trao đổi về vụ việc trên, LS Đào Quang Huy, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Theo điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 thì khai tử là một trong những nội dung đăng ký hộ tịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã giải quyết.
Về thủ tục khai tử, Điều 34 Luật Hộ tịch quy định người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử. Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Như vậy, khi bà TTNP (người mẹ) đi khai tử cho con nhưng không có giấy tờ gì nộp cho UBND phường và cán bộ tư pháp cũng chưa xác minh sự việc có thật hay không đã trình ký để cấp giấy khai tử là sai quy định. Đúng ra, khi thấy nghi ngờ thì cán bộ tư pháp phải xác minh và nếu thấy sai sự thật thì từ chối khai tử theo quy định.
Theo LS Huy, hành vi của người mẹ đi khai tử con trai trong trường hợp này đã vi phạm phạm pháp luật. Giấy khai tử do UBND phường Tân An không có giá trị pháp lý nên cần được thu hồi, hủy bỏ.
Cụ thể, UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định.
Đồng quan điểm, LS Hà Ngọc Tuyền, Đoàn LS TP.HCM phân tích thêm: Theo Điều 13 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp, khi không có giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế giấy báo tử thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết. Trường hợp không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.
Trong vụ việc trên, UBND xã đã thực hiện sai quy trình đăng ký khai tử. Việc ghi vào sổ hộ tịch cũng như cấp trích lục khai tử là sai sót có lỗi của cả người đăng ký và cơ quan đăng ký, đây là căn cứ để cải chính hộ tịch.
Việc cải chính hộ tịch được thực hiện theo thủ tục chung tại UBND cấp xã nơi cấp đã khai tử: người yêu cầu cải chính nộp bản chính giấy trích lục khai tử, cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ chứng mình việc khai tử là sai. Công chức tư pháp xã sẽ kiểm tra và ghi nhận việc cải chính trong sổ hộ tịch.
Ngoài ra, theo LS Hà Ngọc Tuyền, người mẹ trong vụ việc đi khai tử cho con đang còn sống thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020, cá nhân có hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.