Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra những gói kích thích kinh tế lớn, đặc biệt liên quan đến việc giảm thuế để tạo cú huých cho nền kinh tế. Chính sách này có thể sẽ sớm được triển khai, điều này đang rấy lên lo ngại dòng vốn ngoại vào Việt Nam bị phân tán. Trong khi đó, Ấn Độ cũng nổi lên là một thị trường cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022, ông Pao Jirakulpattana, Phó Chủ tịch Warburg Pincus – Singapore cho biết, căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang trở thành một vấn đề đáng chú ý. Điều này đang ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Hiện nay dòng vốn trên toàn cầu đang quay lại và gia tăng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng thì khu vực ASEAN có lẽ sẽ được các nhà đầu tư lựa chọn. Và định vị của Việt Nam hiện nay rất tốt để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Còn theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho rằng: “Việt Nam không nhất thiết cần phải cạnh tranh với Trung Quốc bởi họ rất lớn, thay vào đó mà nên tạo sự khác biệt với Trung Quốc.
“Tôi đã nhiều lần làm việc trong các khu công nghiệp và thấy nhiều nhà đầu tư chuyển dịch sang Trung Quốc. Nhưng nếu xem hai tỉnh Quảng Đông và Thẩm Quyến và lấy 2% của toàn bộ giá trị đầu tư vào khu vực này trong hai năm vừa qua thì các khu công nghiệp của Việt Nam lấy đầy hết. Nói chung là cứ bỏ qua chuyện Trung Quốc+1 đi, chỉ cần khác biệt thôi, không cần cạnh tranh trực tiếp.
Việt Nam nên tập trung vào tính hiệu quả của nền kinh tế và nên định giá đúng tài sản của mình. Một số thiếu hụt lớn của Việt Nam hiện nay không chỉ là cơ sở hạ tầng mà còn là dịch vụ, logistics,… Việt Nam hiện đang có chi phí logistics cao nhất trong khu vực Châu Á. Nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề này thì hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với Trung Quốc”, ông Bruno nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, mặc dù nhiều nhà đầu tư ra khỏi Trung Quốc nhưng đây vẫn là công xưởng lớn của thế giới. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 thì sẽ có những nhà đầu tư muốn mở rộng nhà máy sang các khu vực lân cận. Và rõ ràng Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc + 1 này.
Liên quan đến logistics và chuỗi cung ứng, ông Bruno Jaspaert dự báo sẽ có một cuộc “sóng thần” lớn bởi sắp tới sẽ có đường cao tốc kết nối Thẩm Quyến (Trung Quốc) với phía Bắc của Việt Nam. Đây sẽ là giải pháp về logistics rất hiệu quả. Bởi sẽ không cần phải quá vất vả để vận tải bằng đường biển hay chờ đợi container, mà chỉ cần vận tải bằng đường bộ để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc. Hiện nay, một số nhà đầu tư nhạy bén đã nhìn ra vấn đề này và quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Chia sẻ về danh mục dự án và danh mục đầu tư của DEEP C tại Việt Nam, ông Bruno cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, DEEP C chỉ có 450 ha đất chuẩn bị sẵn nhưng chưa được ký kết. Đến giai đoạn dịch bệnh căng thẳng thì danh mục đầu tư lại tiếp tục tăng lên.
“Hiện có khoảng 2.000 ha đất được đề nghị thuê nhưng chúng tôi chỉ đang có 1.840 ha đất có sẵn. Đây là con số rất quan trọng, có nghĩa DEEP C sẽ cần mở rộng nhanh hơn trong thời gian tới. Có thể thấy, danh mục đầu tư của chúng tôi đã tăng trưởng gấp đôi trong hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh”, vị này cho hay.